Hiện nay, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) đang ngày càng phổ biến và được ưa chuộng với nhiều hình thức được sử dụng như dùng theo đợt hay uống hàng ngày, liên tục không quy định thời gian.
TPBVSK đang được ưa chuộng trên thị trường
Việc dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe thực sự có thể mang lại lợi ích giúp cải thiện sức khỏe, vì chúng giúp bổ sung nhanh chống chất dinh dưỡng và các vi chất khác mà cơ thể không được cung cấp đầy đủ trong chế độ ăn uống hằng ngày.
Chính vì lý do này nên nhiều công ty Dược xem việc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Tuy nhiên, sản phẩm thuộc quản lý của cục vệ sinh thực phẩm nên việc kiểm duyệt, kiểm soát còn đang lỏng lẻo và để nhiều sơ hở cho những những sản phẩm giả, sản phẩm không đạt chất lượng tràn lan trên thị trường gây nhiều ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.
- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đạt tiêu chuẩn chất lượng là sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Sản phẩm giả là sản phẩm được sản xuất, trình bày hoặc dán nhãn nhằm mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất hoặc nước xuất xứ.
Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã đưa ra lời cảnh báo mặc dù số lượng sản phẩm TPBVSK trong nước được sản xuất và bán ra thị trường dần tăng cao nhưng do số lượng không đi cùng chất lượng đã gây nên tình trạng khó kiểm soát, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thống kê của Cục ATTP, cả nước hiện có hơn 1.000 cơ sở chuyên sản xuất thực phẩm chức năng. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp sản xuất có quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ có một phòng tại khu tập thể, lắp điều hòa, trang bị vài máy dập viên, máy nghiền cũng là cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thậm chí nhân lực tham gia sản xuất còn không có chút kiến thức chuyên ngành nào… nhưng vẫn tiến hành sản xuất ồ ạt và sản phẩm được quảng cáo với những công dụng tốt cho sức khỏe.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra quyết định xử phạt đối với 11 công ty vi phạm về buôn bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) chứa chất cấm, quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh… Tổng số tiền phạt đối với 11 công ty là gần 1 tỷ đồng. Ngoài bị phạt tiền, các công ty này còn phải thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin…
Trong đó, Công ty cổ phần Dược phẩm Linh Đạt (tỉnh Hưng Yên) bị phạt nặng nhất, với số tiền lên tới hơn 287 triệu đồng, do bán lô TPBVSK Rasmuseld hoạt huyết dưỡng não và lô sản phẩm TPBVSK Kezakold có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố.
Một số lô Rasmuseld hoạt huyết dưỡng não bị tịch thu và tiêu hủy do không đạt chất lượng đã công bố
Công ty cổ phần Dược phẩm Sao Kim (Hà Nội) bị xử phạt 163 triệu đồng vì sản xuất và bán 2 lô TPBVSK Kỳ Dương Đan có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố đã áp dụng (dương tính Homosildenafin).
Công ty TNHH Mat Xi S.G (tỉnh Đồng Nai) bị xử phạt 160 triệu đồng vì không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất, buôn bán trên thị trường 3 lô TPBVSK Go Lean Detox; vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với 4 lô sản phẩm Go Lean Detox; Sản xuất, buôn bán 2 lô sản phẩm Go Lean Detox không phù hợp với tiêu chuẩn sản phẩm (dương tính Sibutramine).
Công ty cổ phần Tập đoàn thương mại dịch vụ Cash 13 (Hà Nội) bị xử phạt 60 triệu đồng do quảng cáo sản phẩm TPBVSK Viên ngậm Bổ phế khang, Glucosamin khớp Thảo Đan và Curcumin Dạ an vị mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
Công ty cổ phần Quốc tế Dreamt Life Việt Nam (Hà Nội) bị phạt 50 triệu đồng vì vi phạm quảng cáo TPBVSK Diabet Dream trên website gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Công ty cổ phần Dược Phúc Vinh (Hà Nội) có hành vi quảng cáo TPBVSK Giảm cân PV, Bổ thận PV trên website mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo, nên bị xử phạt 35 triệu đồng.
Công ty cổ phần Dược vật tư Y tế Hải Dương (tỉnh Hải Dương) bị xử phạt 30 triệu đồng vì sản xuất lô sản phẩm Mãnh lực có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố đã áp dụng (dương tính Hydroxyhomosildenafin).
Công ty Dược phẩm và thương mại Phương Đông (tỉnh Bắc Ninh) cũng bị xử phạt 30 triệu đồng vì sản xuất TPBVSK Rasmuseld hoạt huyết dưỡng não và lô TPBVSK Kezakold có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Công ty TNHH PTTM Hưng Thịnh Phát (Hà Nội) bị xử phạt trên 27 triệu đồng vì vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với lô sản phẩm Pracare-Nano, Bogavip new và Oba trí não.
Công ty TNHH Reliv Healthcare (TPHCM) bị xử phạt 25 triệu đồng vì quảng cáo TPBVSK Neuglow C trên các website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
Công ty cổ phần Phát triển và đầu tư thương mại Thiên Phú (Hà Nội) bị xử phạt gần 5 triệu đồng vì vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với lô TPBVSK Hoạt huyết an thần khang; bán lô sản phẩm Mãnh lực có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng (dương tính Hydroxyhomosildenafin).
Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tục đưa ra các cảnh báo đối với người tiêu dùng và khuyến nghị cẩn trọng với thông tin quảng cáo các sản phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc không đúng với công dụng thật của sản phẩm.
Trên đây là những thông tin do nhóm Dược sĩ trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tổng hợp nhằm giúp tiêu dùng có cái nhìn tổng quát hơn về việc sử dụng TPBVSK an toàn và hiệu quả.
Nguồn tapchisuckhoe.edu.vn