Bệnh chân tay là bệnh thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ em. Bệnh có thể khiến trẻ tử vong nếu không được điều trị kịp thời và bị các biến chứng.
Bác sĩ hướng dẫn cách xử lý bệnh tay chân miệng hiệu quả
Các Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết chân tay miệng là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột gây ra. Có 2 loại phổ biến nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV 71). Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi.
Các dấu hiệu của bệnh chân tay miệng
– Bệnh khởi phát với các triệu chứng: sốt nhẹ, đau miệng, chảy nước miếng, biếng ăn.
– Tổn thương da, niêm mạc: Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính khoảng 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi gây đau. Bé bỏ ăn, bỏ bú và tăng tiết nước bọt.
– Phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, cẳng tay, đùi, mông, những nốt phỏng nổi cộm lên mặt da. Tồn tại trong thời gian ngắn sau đó để lại vết thâm. Hiếm khi loét hay bội nhiễm.
– Nếu trẻ nôn nhiều và sốt cao không hạ trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48h không đáp ứng với thuốc hạ sốt paracetamol dễ có nguy cơ biến chứng.
– Trẻ quấy khóc dai dẳng: trẻ có thể quấy khóc cả đêm, kéo dài khoảng 15- 20 phút rồi lại ngủ tiếp. Đó là tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm nhưng nhiều cha mẹ thường giải thích đó là tình trạng các nốt phỏng ở miệng gây đau.
– Giật mình: là biểu hiện khi trẻ đang chơi, bố mẹ có thể quan sát thấy trẻ có biểu hiện giật mình với tần suất tăng theo thời gian. Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh.
– Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh.
Cách xử lý khi trẻ mắc bệnh chân tay miệng
– Bệnh chân tay miệng lây truyền từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ bọng nước hoặc phân của người bệnh. Và tuần đầu tiên của bệnh là giai đoạn lây lan mạnh nhất. Vì thế, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của bệnh, cha mẹ cần cách ly trẻ với những người xung quanh, nơi tập trung đông người, nhà trẻ, trường học, khu vui chơi.
– Sau khi tiếp xúc với trẻ bị mắc bệnh phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng. Khi tiếp xúc thì đeo khẩu trang y tế để tránh sự lây lan.
– Vì bệnh có nguồn lây từ phân, chất thải của người bị bệnh nên việc xử lý chất thải là rất quan trọng và cần thiết. Sử dụng dung dịch cloramin để xử lý trước khi xả vào hệ thống thải chung.
– Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh và ăn thức ăn mềm, dễ tiêu sẽ rất tốt cho hệ miễn dịch cũng như hệ tiêu hóa của trẻ. Không cho trẻ ăn các loại thức ăn, cay, mặn vì sẽ làm tồn thương niêm mạc mạc miệng. Nên cho trẻ ăn ít một và ăn nhiều lần trong ngày.
– Vệ sinh sạch sẽ: nên vệ sinh thân thể cho trẻ nhẹ nhàng bằng nước ấm tránh làm vỡ các mụn nước gây tình trạng nhiễm trùng. Việc kiêng khem nước không chịu tắm rửa cho trẻ là hoàn toàn sai lầm.
– Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
Khi trẻ có các biểu hiện sốt cao, li bì, lơ mơ, giật mình thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tránh để lâu sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, biến chứng thần kinh, tim mạch.