Hội chứng Raynaud là tình trạng co thắt đột ngột các mạch máu nhỏ ở vùng ngoại biên khi gặp lạnh hay do stress, khiến các mạch máu hẹp lại và hạn chế sự lưu thông máu đến các mô… gây ra biến đổi màu sắc da và thiểu dưỡng vùng mô mà mạch máu đó nuôi dưỡng. Vậy làm cách nào để phòng bệnh trong thời tiết giá lạnh này? Hãy cùng theo dõi bài phỏng vấn các bác sĩ, chuyên gia đến từ trường Cao đẳng Y Dược Việt Nam sau đây.
Hội chứng Raynaud là gì, làm sao để chữa trị?
Hỏi: Thưa bác sĩ, làm thế nào để nhận biết hội chứng Raynaud ạ?
Trả lời:
Khi trời lạnh, hoặc khi tay, chân tiếp xúc với nước lạnh, co mạch ngoại vi xuất hiện dẫn tới hiện tượng Raynaud, thường xảy ra với các động mạch nhỏ ở ngón tay, ngón chân, các tiểu mao mạch ngoại vi…
Triệu chứng của hội chứng Raynaud bao gồm:
Lạnh ngón tay, ngón chân. Thay đổi màu sắc trên da phản ứng với stress hoặc lạnh theo trình tự. Biểu hiện điển hình của hội chứng Raynaud diễn ra qua 3 giai đoạn thay đổi màu sắc da:
Giai đoạn 1: da trở nên tái nhợt (màu trắng) do mạch máu bị co lại.
Giai đoạn 2: da chuyển thành màu xanh tím do hiện tượng khử oxy, thiếu oxy.
Giai đoạn 3: các mạch máu giãn ra và da trở nên đỏ hồng trở lại.
Tuy nhiên những giai đoạn này nhiều khi xuất hiện không điển hình, có thể chỉ thấy giai đoạn 1 và 2.
Tê, cảm giác gai hoặc đau nhức khi nóng lên hoặc khi giảm căng thẳng.
Raynaud tiến triển từng đợt, kéo dài dẫn tới hiện tượng thiếu máu cục bộ làm tổn thương vùng mô do mạch máu chi phối. Hiện tượng xơ chai hoặc nặng hơn là hoại tử đầu các ngón có thể xuất hiện nếu tình trạng thiếu máu lâu dài và nghiêm trọng, thường gặp trong hội chứng Raynaud thứ phát. Loét và hoại tử là những biến chứng khó điều trị.
Hỏi: Thưa bác sĩ, người bị hội chứng Raynaud cần chú ý gì khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hay khi bị stress ạ?
Trả lời:
Ở người bệnh Raynaud, khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hay stress, các mạch máu ở bàn tay và bàn chân phản ứng một cách thái quá, gây co thắt mạch máu.
Các Bác sĩ đầu ngành Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ, khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, tứ chi sẽ bị mất nhiệt. Cơ thể cung cấp máu tới các ngón chân, ngón tay chậm để bảo vệ nhiệt độ nội tạng cơ thể, làm giảm lưu lượng máu bằng cách thu hẹp các động mạch nhỏ dưới da ở tứ chi. Ở người bị Raynaud, phản ứng này thường quá mức so với bình thường.
Căng thẳng (stress) gây ra một phản ứng tương tự như cảm lạnh trong cơ thể, và phản ứng của cơ thể tương tự có thể bị quá mức ở những người bị hội chứng Raynaud.
Như vậy, có thể thấy nhiệt độ lạnh (mà đơn giản như đặt bàn tay dưới vòi nước lạnh, lấy một cái gì đó trong tủ đông lạnh hoặc tiếp xúc với không khí lạnh…) là nguyên nhân kích hoạt hội chứng Raynaud, cảm xúc căng thẳng cũng có thể gây ra khởi phát bệnh.
Có thể chữa trị hội chứng Raynaud không?
Hỏi: Thưa bác sĩ, có thể chữa trị hội chứng Raynaud không ạ?
Trả lời:
Điều trị hội chứng Raynaud hiện còn gặp nhiều khó khăn. Các mục tiêu của điều trị là làm giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng, ngăn ngừa tổn thương mô và điều trị bất kỳ bệnh hay điều kiện cơ bản nào đi kèm. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng mà chọn thuốc phù hợp.
Để mở rộng và thúc đẩy sự lưu thông của mạch máu có thể dùng thuốc chẹn kênh canxi như nifedipine, amlodipin… Các thuốc này có tác dụng làm giãn các mạch máu nhỏ ở bàn tay và bàn chân, làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của hội chứng Raynaud ở hầu hết mọi người, giúp chữa lành vết loét da ở các ngón tay hay ngón chân, thuốc giãn mạch như nitroglycerin hay miếng dán glyceryl trinitrate để chữa lành vết loét da, giảm các triệu chứng của bệnh.
Nhóm thuốc làm giảm hiện tượng co mạch gồm nhóm thuốc ức chế men chuyển và thụ cảm thể angiotensin II như captopril, enalapril, losartan, nhóm thuốc chẹn alpha – adrenergic như phenoxybenzamine, thuốc ức chế thụ cảm thể serotonin như fluoxetine (dùng trong các trường hợp Raynaud trầm trọng).
Nhóm thuốc hỗ trợ cấu trúc mạch là các chất chống oxy hóa như probucol.
Prostaglandin có nhiều tác dụng trong Raynaud như giãn mạch, ức chế hoạt hóa tiểu cầu, ức chế đông máu, cải thiện dòng chảy của máu, điều hòa cân bằng các yếu tố co và dãn mạch… Một số thuốc được dùng trong Raynaud như ventavis, flolan, remodulin, veletri.
Cần lưu ý, bên cạnh tác dụng điều trị thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng. Người bệnh cần theo dõi các tác dụng bất lợi này (có trong hướng dẫn sử dụng của từng loại thuốc, người bệnh cần đọc hướng dẫn sử dụng này trước khi dùng thuốc) và thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp. Ở một số người bệnh có thể phải ngưng thuốc và thay thế bằng thuốc khác phù hợp hơn.
Theo thời gian, thuốc có thể giảm hiệu quả. Vì vậy, người bệnh cần theo dõi diễn biến bệnh, liên hệ với bác sĩ để được điều trị một cách tốt nhất.
Một số loại thuốc dùng trị bệnh có thể làm nặng thêm hội chứng Raynaud do dẫn đến tăng co thắt mạch máu. Các thuốc này cần tránh dùng như thuốc cảm cúm (chứa pseudoephedrin), thuốc trị tăng huyết áp như metoprolol, propranolol, thuốc tránh thai (nếu sử dụng thuốc tránh thai, có thể chuyển sang một phương pháp ngừa thai khác bởi vì các thuốc này ảnh hưởng đến lưu thông máu và dễ xuất hiện Raynaud)…
Đối với các trường hợp Raynaud nghiêm trọng, có thể cần phải phẫu thuật thần kinh để cắt các dây thần kinh gây phản ứng quá mức, có thể làm giảm tần suất và thời gian của Raynaud, tiêm hóa chất để ngăn chặn các dây thần kinh giao cảm ở tay hoặc chân bị ảnh hưởng hay cắt cụt loại bỏ các mô bị hư hỏng do thiếu nguồn cung cấp máu như cắt cụt một ngón tay hoặc ngón chân bị ảnh hưởng bởi Raynaud trong đó việc cung cấp máu đã hoàn toàn bị chặn và các mô đã hoại tử.