Hàng nghìn năm trước công nguyên, loài người đã biết sử dụng thảo dược để phục vụ mục đích chữa bệnh. Cho đến nay, ngành công nghiệp dược phẩm đã phát triển rất mạnh, đóng góp to lớn cho nền y tế và cho sự sống còn của nhân loại. Trong đó phải kể đến sự ra đời của thuốc kháng sinh, vắc xin, insulin… Tuy nhiên, sử dụng thuốc không đúng cách cũng đã mang lại những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe. Vậy làm thế nào để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu qua bài phỏng vấn các bác sĩ, chuyên gia đến từ trường Cao đẳng Y Dược Việt Nam sau đây.
Bác sĩ cảnh báo về các tác dụng phụ của thuốc
Hỏi: Thưa bác sĩ, có phải thuốc chỉ dùng để chữa bệnh không ạ?
Trả lời:
Một cách tổng quát, “thuốc” được định nghĩa là bất kỳ chất nào sau khi được hít, tiêm, xông, thẩm thấu qua da hoặc tĩnh mạch vào cơ thể sẽ gây ra những sự thay đổi về sinh lý. Theo khía cạnh dược học, thuốc hay dược phẩm được hiểu là hoạt chất dùng để điều trị, chữa bệnh, phòng bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc cải thiện sức khỏe. Định nghĩa này của thuốc giúp phân biệt với thực phẩm chức năng là chế phẩm chỉ giúp cung cấp và bổ sung chất dinh dưỡng. Trước kia, các loại thuốc được điều chế thông qua quá trình chiết xuất từ cây thuốc, nhưng gần đây, khi công nghiệp phát triển, ngành dược sản xuất thuốc nhiều hơn thông qua tổng hợp hóa học.
Hỏi: Thưa bác sĩ, một thuốc có thể dùng chữa nhiều loại bệnh khác nhau không ạ?
Trả lời:
Bác sĩ chuyên khoa Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết tác dụng chính của thuốc là sự thay đổi về sinh lý chủ yếu sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc. Tác dụng chính được quyết định dựa trên nghiên cứu về dược lực học (tác dụng dược lý của thuốc trên cơ thể) và dược động học (quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ của thuốc trong cơ thể). Tác dụng chính của thuốc cũng chính là cơ sở để quyết định chỉ định của thuốc đó trong điều trị bệnh.
Một thuốc có thể có nhiều tác dụng dược lý lên các bộ phận khác nhau trong cơ thể, do đó, thuốc có thể có nhiều chỉ định tương ứng. Chẳng hạn, aspirin có các tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid và ức chế kết tập tiểu cầu. Do đó, aspirin có thể được dùng trong điều trị sốt, giảm các cơn đau nhẹ và vừa, viêm khớp dạng thấp, dự phòng thứ phát nhồi máu cơ tim và đột quỵ…
Với cùng một loại thuốc, nhưng đối với mỗi đối tượng bệnh nhân khác nhau, mỗi loại bệnh khác nhau, bác sĩ sẽ đưa ra những liều dùng khác nhau trên các dạng bào chế và hàm lượng khác nhau để hướng tới các tác dụng chính khác nhau. Ví dụ, cùng là hoạt chất amoxicillin nhưng có tới hàng chục phác đồ điều trị dành cho mỗi đối tượng cụ thể.
Hỏi: Thưa bác sĩ, thuốc nào cũng có tác dụng phụ đúng không ạ?
Trả lời:
Tác dụng phụ được hiểu là “một hiệu ứng phụ không mong muốn xảy ra bên cạnh hiệu quả điều trị mong muốn của thuốc”. “Các tác dụng phụ có thể khác nhau đối với từng cá nhân, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, tuổi tác, cân nặng, giới tính, di truyền và trạng thái sức khỏe”. Như vậy, tác dụng phụ thường phức tạp và khó tiên đoán hơn so với tác dụng chính. Đây là lý do phần tác dụng phụ được in trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc luôn dài hơn, thậm chí gấp nhiều lần so với phần công dụng/chỉ định.
Làm gì để hạn chế tác dụng phụ khi sử dụng thuốc?
Có một sự thật là tất cả các thuốc trên thị trường kể cả các thuốc có nguồn gốc từ dược liệu đều có tác dụng phụ. Tuy nhiên, phần lớn người dùng không cảm nhận được chúng hoặc chúng không đủ mạnh để gây ấn tượng trong quá trình sử dụng. Đối với từng bệnh nhân nhất định, không thể chắc chắn rằng thuốc có gây ra tác dụng phụ hay không. Bởi sự biểu hiện thường không rõ ràng, khó tiên đoán, phức tạp và khác nhau đối với từng cá thể mà đôi khi chúng ta bỏ qua một số tác dụng phụ trong cân nhắc điều trị.
Số lượng người chịu tác động có hại đến từ các tác dụng phụ của thuốc cũng không hề ít. Theo báo cáo, mỗi năm có khoảng 4,5 triệu người Mỹ bị cấp cứu hoặc tới các cơ sở y tế vì tác dụng phụ của thuốc. Và có hơn 2 triệu bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì vấn đề này. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi bắt đầu dùng, giảm/tăng liều lượng, hoặc khi đã kết thúc sử dụng thuốc. Tác dụng phụ cũng có thể đến từ các tương tác thuốc – thuốc hay tương tác thuốc – thức ăn. Ví dụ như uống thuốc giảm đau có chất gây mê ngay sau khi uống rượu hoặc ngược lại gia tăng đáng báo động nguy cơ tử vong do quá liều. Hoặc nước ép bưởi có thể ảnh hưởng đến nồng độ trong máu của nhiều loại thuốc, bao gồm cả một số thuốc huyết áp và thuốc cholesterol. Tác dụng phụ cũng là nguy cơ hàng đầu dẫn đến sự không tuân thủ điều trị theo quy định.
Hỏi: Thưa bác sĩ, có thể làm gì để hạn chế tác dụng phụ khi sử dụng thuốc ạ?
Trả lời:
Không thể biết xác suất bạn gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng thuốc là bao nhiêu, nhưng có nhiều phương án giúp bạn hạn chế tối đa tác hại do tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Đầu tiên, hãy chủ động tìm hiểu về tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc trong tờ hướng dẫn sử dụng, đồng thời chủ động trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn về vấn đề này. Đừng ngần ngại chia sẻ về tác dụng phụ đã từng gặp phải trước đây của bạn cũng như ai đó trong gia đình. Trao đổi rõ ràng và thực hiện đúng về liều lượng, đường dùng, thời gian sử dụng, cũng như chống chỉ định khi sử dụng thuốc. Tốt nhất, không nên sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khi đang dùng thuốc. Và khi có biểu hiện bất thường của cơ thể, hãy nghĩ đến tác dụng phụ của thuốc và nhanh chóng hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.
Khi gặp phải tác dụng phụ của thuốc, giảm liều, hoặc dừng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ làm giảm các triệu chứng trong đa số trường hợp. Ngoài ra, có thể sử dụng kèm các thuốc khác ngay từ ban đầu hoặc sau khi có biểu hiện của tác dụng phụ để giảm và ngăn ngừa tác động bất lợi của thuốc. Chẳng hạn, kháng sinh dễ gây rối loạn tiêu hóa do làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, bởi vậy, dùng kèm men vi sinh là một cách để hạn chế tác dụng phụ bất lợi của kháng sinh trên đường ruột. Và người có thể đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bệnh nhân là bác sĩ và dược sĩ.