bac-si-tu-van-huong-dan-bo-sung-sat-dung-cach-cho-co-the

Bác sĩ tư vấn hướng dẫn bổ sung Sắt đúng cách cho cơ thể

Thiếu sắt là một vấn đề rất thường gặp, những đối tượng có nguy cơ cao thiếu sắt như phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, phụ nữ có kinh nguyệt nặng, những người hiến máu thường xuyên, người ăn chay hoặc thuần chay và xảy ra phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Vậy những biểu hiện nào giúp bạn nhận biết có thể mình bị thiếu sắt và cần lưu ý gì khi bổ sung sắt bằng thuốc? Hãy cũng tìm hiểu qua bài phỏng vấn các bác sĩ, chuyên gia đến từ Trường Cao đẳng Y Dược Việt Nam sau đây.

bac-si-tu-van-huong-dan-bo-sung-sat-dung-cach-cho-co-the

Bác sĩ tư vấn hướng dẫn bổ sung Sắt đúng cách cho cơ thể

Hỏi: Thưa bác sĩ, những dấu hiệu nào cho biết cơ thể đang thiếu sắt ạ?

Trả lời:

Sắt là một trong những chất khoáng rất quan trọng với cơ thể. Nó là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, chất có mặt trong tế bào hồng cầu và làm cho máu có màu đỏ, đồng thời có vai trò vận chuyển ôxy trong máu đến với các mô trong cơ thể. Sắt cũng là thành phần của myoglobin, có trong cơ vân, có tác dụng dự trữ ôxy cho hoạt động của cơ vân, chúng sẽ kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho hoạt động co cơ. Ngoài ra, sắt còn là thành phần cấu tạo của một số loại protein và enzym, có vai trò trong quá trình giải phóng năng lượng khi ôxy hóa các chất dinh dưỡng và phân tử ATP (phân tử mang năng lượng).

Hậu quả cần lưu ý khi thiếu sắt là thiếu máu thiếu sắt, làm cho số lượng hồng cầu giảm, thường dẫn đến mệt mỏi, trí nhớ kém, chóng mặt, da nhợt nhạt hoặc khó thở…Khi thiếu sắt, có thể thường có những dấu hiệu như thèm ăn những thứ không phải là thực phẩm (đất sét, vữa tường… Tình trạng này thường hay xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ mang thai), thèm ăn đá lạnh, móng tay giòn, dễ gãy, lõm hình thìa (loạn dưỡng móng chân, tay), môi khô và nứt ở góc môi (gây đau và khó khăn trong ăn uống, nói, cười… ), hội chứng chân không yên (chân bồn chồn, có cảm giác ngứa ran hoặc cảm giác như có côn trùng bò bên trong chân gây khó chịu mà không rõ nguyên nhân), sưng lưỡi (gây khó khăn trong việc nhai, nuốt hoặc nói)…

Ở nước ta, thiếu máu do thiếu sắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Thiếu máu giảm khả năng tập trung học tập, trẻ thiếu máu sẽ thiếu năng lượng cho việc học tập, vui chơi ảnh hưởng tới kết quả học tập và sự phát triển trí tuệ. Ở phụ nữ, làm gia tăng nguy cơ tử vong ở thai phụ và trẻ em sinh ra có nguy cơ mắc bệnh cao, yếu ớt, chậm phát triển.

Hỏi: Thưa bác sĩ, cách dùng thuốc bổ sung sắt như thế nào là đúng ạ?

Trả lời:

Bác sĩ chuyên khoa Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn khuyến cáo chỉ bổ sung sắt bằng thuốc chứa sắt trong các trường hợp: Thiếu máu thiếu sắt cấp tính, hay kéo dài, phòng thiếu máu thiếu sắt cho những đối tượng có nguy cơ thiếu sắt như phụ nữ có thai, hội chứng suy dinh dưỡng, sau cắt dạ dày…

Những bệnh thiếu máu không do thiếu sắt (thiếu máu huyết tán, thiếu máu do nhiễm độc chì, thiếu máu do bệnh Thalassémie, suy tủy…) thì không được dùng thuốc bổ sung sắt.

Trên thị trường thuốc chứa sắt có rất nhiều loại: Có thể dưới dạng sản phẩm đơn thành phần (chỉ chứa sắt) hay phối hợp với acid folic, vitamin B12, vitamin C…; được bào chế dưới nhiều dạng như viên (nén, nang, bao phim), hỗn dịch, dung dịch, sirô, thuốc giọt… Acid folic được thêm vào để hạn chế rối loạn tiêu hóa thường có liên quan với hầu hết các chế phẩm sắt uống và đề phòng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu folat và cũng là một chất rất cần thiết với bà bầu (phòng ngừa dị tật thai nhi). Vitamin C giúp tăng hấp thu sắt và tăng sức đề kháng cho cơ thể…

bac-si-tu-van-huong-dan-bo-sung-sat-dung-cach-cho-co-the

Bổ sung sắt như thế nào là đúng?

Khi bổ sung sắt bằng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý dùng quá liều (nhất là khi dùng liều cao, kéo dài). Vì khi thừa sắt, nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe sẽ xảy ra như mệt mỏi, căng thẳng, tiêu chảy, chóng mặt, buồn nôn… thậm chí là các vấn đề nghiêm trọng như tổn thương gan, các vấn đề về tim mạch, tiểu đường, viêm khớp, ung thư… Nồng độ sắt cao còn ức chế hấp thụ các chất khác như canxi, kẽm, magie… dẫn tới thiếu hụt các khoáng chất này, cũng sẽ làm cho cơ thể bị rối loạn.

Hỏi: Thưa bác sĩ, khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc bổ sung sắt thì người bệnh cần luu ý những gì ạ?

Trả lời:

Thời điểm và cách uống thuốc bổ sung sắt: Do sắt được hấp thu tốt hơn nếu uống lúc đói và các chất trong thức ăn (đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều canxi) sẽ làm cản trở sự hấp thu sắt, nên thời điểm tốt nhất để uống viên sắt thường là trước khi ăn 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ. Uống thuốc với ít nhất là nửa cốc nước và không nhai viên thuốc khi uống (đối với các dạng viên). Trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người già không dùng dạng viên mà nên dùng dạng giọt hoặc sirô (dễ nuốt). Cần theo đúng chỉ dẫn về liều lượng số giọt hoặc thìa đong thuốc phù hợp với từng lứa tuổi. Khi uống dạng sirô răng sẽ có màu đen (có thể khắc phục bằng cách hút qua ống hút, pha vào nước rồi hút). Không uống thuốc khi đang nằm. Khi uống thuốc phân có thể có màu đen. Hiện tượng này không nguy hiểm và sẽ hết khi ngừng uống thuốc.

Chú ý tương tác với các thuốc uống cùng: Sự hấp thu sắt sẽ bị ức chế bởi các chất như magie trisilicate, các thuốc kháng acid, thuốc chứa canxi, caffein… Do vậy, để tránh sự tương tác bất lợi này cần sử dụng các chế phẩm bổ sung sắt trước 1 giờ hoặc 2 giờ sau khi sử dụng các loại thuốc  này.

Hàng ngày nên ăn bổ sung những thực phẩm giàu chất sắt như: hàu, thịt bò, cá, thịt gà… Ăn những thực phẩm này kèm với hoa quả giàu vitamin C để giúp hấp thu sắt tốt hơn. Tránh uống trà, cà phê gần bữa ăn (nên uống cách bữa ăn ít nhất 1 giờ), vì những thức uống này có chứa caffein, tanin làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể.