Loét da thường dễ xảy ra ở người cao tuổi ít vận động, người bệnh nằm lâu tại giường và có khuynh hướng dễ bị loét do tỳ đè.
Cách dự phòng loét tỳ đè
Loét tỳ là một loại loét gây hoại tử do kém dinh dưỡng của một vùng cơ thể bị tỳ đè kéo dài. Khi một vùng da cơ nào đó của cơ thể bị tỳ đè vào vật cứng kéo dài thì sự tuần hoàn tại chỗ khó khăn, máu động mạch không đến được gây thiếu máu nuôi dưỡng, máu tĩnh mạch ứ lại gây sung huyết, phù nề. Da tại chỗ dần dần bầm tím và sau cùng gây nên hoại tử và ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Khi đã bị loét tỳ thì công tác điều trị rất khó khăn và yêu cầu người bệnh phải hợp tác một cách chặt chẽ và nghiêm ngặt. Vì vậy để hạn chế cũng như phòng ngừa các biến chứng xảy ra thì công tác dự phòng loét ép là rất quan trọng.
Chuyên gia Y tế trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết loét tỳ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị và thời gian, công sức chăm sóc, sức khỏe của người bệnh cũng như người nhà. Khi đã xuất hiện dấu hiệu của loét tỳ đè mà không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ khiến cho tình trạng bệnh sẵn có của bệnh nhân nặng nề hơn và có thể có khả năng tử vong cao do hậu quả của loét tỳ. Nắm được nguyên nhân gây loét tỳ sẽ giúp người bệnh cũng như người nhà biết cách phòng, hạn chế khả năng loét tỳ.
Cách dự phòng loét ép
Nguyên tắc: Phải thực hiện ba nguyên tắc sau để giúp máu dễ lưu thông:
Giữ gìn da sạch và khô nhất là những vùng bị tỳ đè dễ có nguy cơ bị loét ép.
Thường xuyên xoa bóp những vùng dễ bị loét ép.
Thường xuyên thay đổi tư thế người bệnh.
Giữ gìn da khô sạch, phát hiện vùng dễ bị loét ép:
Hằng ngày quan sát vùng dễ bị loét ép. Đặc biệt là các vùng da sát xương, có nguy cơ bị tỳ đè như xương cùng, bả vai, mắt cá chân, gót chân, khuỷu tay, gai chậu…
Bạn có thể soi gương để quan sát vùng da sau lưng bạn. Lau rửa bằng nước ấm những vùng bị ẩm ướt, vùng mông của những người đại, tiểu tiện không tự chủ. Sau đó lau khô lại những vùng đó.
Thay đổi tư thế:
Thay đổi tư thế người bệnh ít nhất là hai giờ một lần. Phải thay đổi càng nhiều vị trí càng tốt. Nằm sấp là một phương pháp có hiệu quả để giảm sức ép lên khung xương của phần lưng. Ngồi cũng là phương pháp được áp dụng để thay đổi trọng lượng và sức ép nếu người bệnh có thể ngồi được.
Cách dự phòng loét tỳ đè
Cho người bệnh nằm trên đệm nước là phương pháp tốt nhất hiện nay và đang áp dụng rộng rãi để phòng chống loét. Khi người bệnh nằm trên đệm nước, sẽ không có vị trí nào của cơ thể bị tì đè vào vật cứng, mà phân phối đều trên bề mặt của đệm nước nên tránh được loét ép. Khi ta dùng tay ấn vào bất kỳ vị trí nào của đệm nước thì nước trong đệm sẽ di chuyển mọi hướng làm cho người bệnh luôn ở tư thế vận động, có tác dụng như thay đổi tư thế người bệnh.
Nếu không có đệm nước thì có thể dùng vòng bông cao su tự làm. Đặt vòng bông cao su dưới những vùng có nguy cơ bị loét tỳ, các ụ xương như mắt cá, gót chân của người bệnh. Lót gối ở vai nếu người bệnh nằm nghiêng.
Xoa bóp:
Xoa bóp có tác dụng kích thích tuần hoàn có thể áp dụng ngay cả trường hợp trợt biểu bì hoặc có hoại thư.
Rửa sạch vùng định xoa bóp bằng xà phòng, lau khô sau đó xoa từ vùng có bắp cơ dày đến vùng dễ bị loét ép.
Xoa khoảng 15-30 phút mỗi ngày 1 đến 2 lần. Có thể kết hợp với tập cho người bệnh nhân cử động để tránh tư thế xấu cho người bệnh về sau.
Ở những bệnh nhân mồ hôi ra nhiều, nôn mửa, đại tiểu tiện không tự chủ hay vải trải giường không phẳng, ẩm ướt cũng là yếu tố nguy cơ gây ra loét ép. Do đó, sự xoay trở cơ thể thường xuyên đồng thời sử dụng những phương tiện, dụng cụ chống loét ép sẽ làm giảm khả năng loét tỳ đè và là biện phát hiệu quả để phòng ngừa loét ép.
Dự phòng loét rất quan trọng, người chăm sóc bệnh nhân nằm lâu cần lưu ý hàng ngày để hạn chế tối đa vết loét da. Nếu người bệnh đã bị loét, cần săn sóc, điều trị đúng quy cách để vết loét ép không tăng thêm mà làm cho quá trình lành vết loét nhanh chóng. Điều trị loét là quá trình kéo dài, thời gian tính bằng tháng, thậm chí là năm, cần phải kiên trì, theo dõi chặt chẽ mới đem lại kết quả theo ý muốn.