Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng

Mùa hè là mùa của các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh tay chân miệng. Bệnh này không chỉ xuất hiện ở người lớn mà tỉ lệ trẻ nhỏ bị bệnh này cũng rất cao.

Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng

Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng lây lan sang những người xung quanh nếu họ tiếp xúc với những chất dịch ở mũi, họng, dịch ở nốt phỏng hoặc phân của người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Bác sĩ tư vấn: Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng là do enterovirus. Phần lớn người bệnh bị tay chân miệng là do virus Coxsackievirus A16 gây ra, người bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày mà không cần điều trị và ít gây biến chứng. Bệnh nhân còn có thể bị tay chân miệng do virus Enterovirus 71 (EV71), virus này gây bệnh nghiêm trọng hơn và có nhiều biến chứng khác nhau như viêm não, viêm màng não, có thể gây tử vong.

Tỉ lệ trẻ bị tay chân miệng do virus EV71 ở Việt Nam khá cao, bố mẹ cần phòng ngừa bệnh cho con và nắm được cách điều trị bệnh để chăm sóc cho con thật tốt, nhất là những phụ huynh đang có con nhỏ từ 1-5 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi thì nguy cơ biểu hiện bệnh nặng càng cao. Bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh nên bố mẹ cần chăm sóc và phòng ngừa bệnh cho con thật tốt.

Triệu chứng bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng trải qua 3 giai đoạn phát triển của bệnh.

Thể không điển hình: trẻ có dấu hiệu bị phát ban, loét miệng nhưng rất khó để xác định được bệnh tay chân miệng vì triệu chứng này không rõ ràng.

Thể cấp tính kéo dài 3 đến 10 ngày gồm các giai đoạn:

Giai đoạn ủ bệnh (3-7 ngày): Người bệnh thường không có triệu chứng gì.

Giai đoạn khởi phát (Từ 1-2 ngày): Người bệnh có những triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, chán ăn và tiêu chảy nhẹ.

Giai đoạn bệnh toàn phát kéo dài từ 3 đến 10 ngày: Người bệnh sẽ xuất hiện những vết loét ở miệng có đường kính lên đến 2-3mm ở những khu vực như niêm mạc miệng, lợi, lưỡi. Ngoài ra, trẻ có những nốt ban và lan rộng hơn để lại những vết thâm. Trẻ vẫn bị sốt nhẹ, nôn và có nguy cơ bị biến chứng sang tim mạch, hệ hô hấp, hệ thần kinh.

Nếu người bệnh bị tay chân miệng do virus coxsackievirus A16 gây ra thì sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày.

Thể tối cấp: Thể này thường bị khi người bệnh bị tay chân miệng do virus EV71. Trẻ bị suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê co giật và có thể bị tử vong.

Triệu chứng bệnh tay chân miệng

Triệu chứng bệnh tay chân miệng

Điều trị bệnh tay chân miệng

  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người xung quanh khi bị bệnh để tránh lây cho họ. Những chất thải của trẻ khi ở nhà bố mẹ cần xử lý khử khuẩn, dùng găng tay, khẩu trang để không truyền bệnh ra ngoài. Những dụng cụ sinh hoạt của bé như bát đũa, cốc… cần được vệ sinh sạch sẽ để không lây bệnh sang những người trong gia đình.
  • Khi nghi ngờ trẻ bị chân tay miệng, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt để trẻ được điều trị kịp thời tránh những biến chứng xảy ra.
  • Bé cần được bổ sung đủ nước khi điều trị.

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em

  • Những vật dụng, đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên và những khu vực bé vui chơi tiếp xúc cũng cần được đảm bảo sạch sẽ.
  • Trước khi chơi cùng trẻ bố mẹ và những người xung quanh cần rửa tay chân sạch sẽ bằng xà phòng.
  • Cho trẻ ăn những thực phẩm đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi. Những dụng cụ ăn uống của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ cẩn thận và không dùng chung với những người xung quanh.

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

  • Không cần kiêng gió và kiêng nước cho trẻ khi trẻ bị tay chân miệng, chỉ cần đảm bảo luôn giữ cho trẻ chơi ở những khu vực sạch sẽ không có ô nhiễm không khí và nước để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh thành dịch.
  • Không cho trẻ gãi, chọc vào bọng nước trên da.
  • Không sử dụng thuốc bữa bãi cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Nguồn tapchisuckhoe.edu.vn