Cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Sài Gòn tìm hiểu về huyệt

Huyệt là gì? Có bao nhiêu loại huyệt? Cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu về huyệt nhé.

Cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Sài Gòn tìm hiểu về huyệt

Huyệt là gì?

Trong Y học cổ truyền huyệt có nhiều tên khác nhau: huyệt, tiết, hội, không, khí huyệt, khí phủ (Nội kinh), khổng huyệt (Giáp ất kinh), huyệt đạo (Thái bình thánh huệ phương), du huyệt (Đồng nhân du huyệt châm cứu đồ kinh), huyệt vị (Thần cứu kinh luận). Ở Việt Nam hay dùng các tên: Huyệt, huyệt vị, huyệt đạo, du huyêt…

Các loại huyệt:

Huyệt A thị: còn có tên là thống điểm hay thiên ứng huyệt, huyệt a thị không có vị trí cố định, chỉ xuất hiện khi có bệnh, lúc khỏi thì tự mất. Vận dụng huyệt a thị để chữa chứng đau cấp và đau tại chỗ rất hiệu quả.

Huyệt ngoài kinh: là những huyệt không nằm trên 14 đường kinh mạch chính. Trong lâm sàng, huyệt ngoài kinh có vị trí cố định, hiệu quả điều trị bệnh rất rõ ràng: Thái dượng, giáp tích… hiện nay có khoảng 200 huyệt ngoài kinh bao gồm cả các huyệt mới phát hiện.

Huyệt thuộc kinh mạch: những huyệt này nằm trên 12 đường kinh mạch chính và trên hai đường kinh Nhâm, Đốc. Được xếp theo tác dụng thành những nhóm huyệt như sau:

– Huyệt nguyên: Thường được người thầy thuốc xem là huyệt đại diện của đường kinh đó. Mỗi đường kinh chính có một huyệt nguyên, thường nằm quanh cổ tay, cổ chân. Huyệt nguyên là nơi tập trung khí huyết nhiều nhất của đường kinh.

– Huyệt lạc: là nơi khởi đầu của lạc mạch giúp nối liền kinh âm và kinh dương tương ứng, có liên quan đến biểu lý của hai đường kinh đó. Nó có tác dụng chữa bệnh trên cả hai đường kinh. Mỗi kinh chính và 2 mạch Nhâm, Đốc có 1 huyệt Lạc. Ngoài ra do tính chất quan trọng của hệ thống Tỳ mà có thêm đại lạc của Tỳ nên trong cơ thể có tổng cộng 15 Huyệt lạc.

– Huyệt bối du (ở lưng): là những huyệt tương ứng với tạng phủ, nằm trên kinh Bàng quang (đoạn ở lưng), dọc hai bên cột sống. Người xưa cho rằng khí của tạng phủ tụ lại ở lưng trên một huyệt du tương ứng.

– Huyệt mộ: Cũng có cùng nguyên lý như huyệt bối du nhưng có hai điểm khác là huyệt nằm trên đường kinh đi ngang qua vùng ngực, bụng và nằm trên nhiều đường kinh mạch khác nhau.

– Huyệt ngũ du: là nhóm 5 huyệt, có vị trí từ khuỷu tay và đầu gối trở ra đến ngọn chi. Huyệt ngũ du được gọi tên theo thứ tự: Tinh, huỳnh, du, kinh, hợp. Đặc tính của huyệt ngũ du là có thể điều trị những chứng bệnh của đường kinh rất tốt.

– Huyệt khích: Khích có nghĩa là khe hở. Huyệt khích cũng thuộc vào những yếu huyệt của kinh mạch. Mỗi đường kinh có một huyệt khích, là những khe, nơi mà mạch khí tụ tập sâu trong cơ thể, phần nhiều phân bố ở kẽ gân và xương nơi mà kinh khí rót vào. Thường dùng để chuẩn đoán và chữa những bệnh cấp tính của đường kinh và tạng phủ mà nó có quan hệ. Có 16 huyệt khích: 12 huyệt khích ở 12 đường kinh chính và 4 huyệt khích của 4 kinh kỳ

Trên đây là chia sẻ của Bác sĩ Xoa bóp bấm huyệt – Y học cổ truyền Trường cao đẳng Dược Sài Gòn chúc các bạn có một sức khỏe tốt.