Nguyên nhân và triệu chứng của sỏi mật

Khi sỏi mật đã gây biến chứng, bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, người mệt mỏi, chán ăn, da vàng sạm, đái ít, có vết ngứa trên da.

Nguyên nhân gây sỏi mật

Sỏi mật là bệnh lý mà có sự hiện diện của sỏi trong hệ thống đường mật bao gồm đường mật trong gan, túi mật và ống mật ngoài gan.

Theo những tin tức Y Dược mới nhất, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi mật, tùy thuộc vào từng vùng mà có những nguyên nhân khác nhau. Tại châu Âu – Mỹ: sỏi ống mật chủ hình thành phần lớn là do sỏi túi mật di chuyển xuống, thành phần chủ yếu là Cholesterol. Tính chất của sỏi: cứng, màu vàng nâu, mặt gồ ghề, tỷ lệ nữ nhiều hơn nam gấp 4 lần, đặc biệt ở những phụ nữ béo ít vận động.

Còn ở châu Á: sỏi đường mật phần lớn do giun chui lên đường mật gây nhiễm khuẩn đường mật, sỏi được cấu tạo bởi trứng giun, xác giun làm nòng cốt sau đó sắc tố mật và calci bilirubin bám vào tạo  sỏi có màu nâu đen, dễ vỡ, tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau; gặp ở mọi tầng lớp người, lứa tuổi hay gặp là trung niên.

Tại Việt Nam, sỏi túi mật chiếm 10,8%- 11,4%, sỏi ống mật chủ và sỏi trong gan chiếm xấp xỉ 80%, ngược lại ở châu Âu sỏi túi mật chiếm 63,8%, sỏi mật được tạo thành thường có hai nguyên nhân là nhiễm  khuẩn và nhiễm ký sinh trùng đường mật: giun đũa từ ruột chui lên đường mật, trứng giun hay xác giun làm nòng cốt rồi sắc tố mật, calci bilirubin bám vào, cùng với sự ứ đọng của các tế bào niêm mạc đường mật hoại tử bong ra là cơ sở hình thành sỏi ở ống mật chủ và ở trong gan

Số lượng sỏi mật có thể từ 1 hơn hoặc nhiều hòn nhỏ hoà lẫn với bùn mật, hoặc có giun kèm theo, có trường hợp nhiều sỏi đóng khuôn thành sỏi lớn dọc theo ống mật chủ. Chúng có thể ở bất kỳ đoạn nào của ống mật chủ, nhưng thường gặp ở đoạn sau tá tụy hoặc gần cơ Oddi, sỏi thường có màu nâu đen, mềm, dễ mủn nát.

Đau do sỏi di chuyển, cơn đau đột ngột, đau dữ dội

Đau do sỏi di chuyển, cơn đau đột ngột, đau dữ dội

Dấu hiệu nhận biết bệnh sỏi mật

Theo sự chia sẻ của các Bác sĩ chuyên khoa, sự có mặt của sỏi trong lòng ống mật chủ thường không có biểu hiện lâm sàng để tạo nên bệnh cảnh trầm trọng ngay, nhưng sớm muộn cũng gây ứ đọng mật và nhiễm trùng. Trong cơn cấp tính có thể có 3 dấu hiệu rất đặc trưng là:

Đau: đau do sỏi di chuyển, cơn đau đột ngột, đau dữ dội, vị trí đau ở hạ sườn phải, đau lan ra sau lưng và lên vai (cơn đau quặn gan).

Sốt: sau đau vài giờ bệnh nhân xuất hiện sốt 39- 40 độ. Sốt kèm theo rét run, chán ăn, cơn sốt kéo dài vài giờ sau đó vã mồ hôi. Thường sốt cao vào buổi chiều.

Vàng da-vàng mắt: xuất hiện sau đau và sốt. Lúc đầu vàng nhẹ  ở lòng trắng mắt rồi dần dần vàng đậm ở da và niêm mạc, vàng da kèm theo ngứa ở da, nước tiểu thẫm màu.

Trong trường hợp nhẹ: biểu hiện toàn thân không có gì thay đổi. Tuy nhiên khi sỏi mật đã gây biến chứng, bệnh nhân có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc: môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, người mệt mỏi, chán ăn, da vàng sạm, đái ít, có vết ngứa trên da.Trong trường hợp nặng hơn nữa người bệnh có thể rơi vào trạng thái  hôn mê gan, hôn mê do u rê huyết cao.

Khi có những dấu hiệu nghi ngờ như trên người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời tránh để lại những biến chứng nguy hiểm.

Nguồn: tapchisuckhoe.edu.vn