Những thực phẩm giàu lipid mà bạn nên biết

Một số quan điểm cho rằng mỡ là không tốt, cần hạn chế mỡ trong khẩu phần ăn. Điều này liệu có đúng. Vậy thực phẩm nào giàu lipid mà bạn nên biết?

Những thực phẩm giàu lipid mà bạn nên biết

Những thực phẩm giàu lipid mà bạn nên biết

Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia về vấn đề này!

Vai trò của lipid với sức khỏe con người

Lipid là hợp chất hữu cơ không có nitơ, thành phần chính là triglycerid (este của glycerin) và các acid béo. Dựa vào các mạch nối đôi trong công thức phân tử của acid béo mà phân acid béo thành loại no và không no. Acid béo no không có mạch  nối đôi thường gặp trong chất béo có nguồn gốc động vật. Acid béo không no thì trong công  thức có ít nhất một nối đôi, thường có trong chất béo có nguồn gốc thực vật hoặc dầu, mỡ cá.

Vai trò của lipid đầu tiên được kể đến là vai trò cung cấp năng lượng: 1 gam lipid phân giải cho 9 kcal. Do vậy thức ăn giàu lipid là nguồn năng lượng cao cho người lao động nặng, cần thiết cho thời kỳ hồi phục sau ốm, sau sinh, sau phẫu thuật và các đối tượng phụ nữ có thai, cho con bú… Lipid ngoài cung cấp năng lượng trực tiếp, lượng dư thừa được dự trữ dưới dạng các mô mỡ, khi nguồn cung cấp thiếu, các mô mỡ sẽ giải phóng tạo năng lượng.

Mô mỡ tập trung nhiều ở dưới da và bao quanh phủ tạng có vai trò như hệ đệm, nâng đỡ các mô cơ thể khỏi các tác động bất lợi từ môi trường như nhiệt độ và sang chấn. Sự phân bổ của mô mỡ còn tạo nên vóc dáng khác nhau giữa phái nam và nữ.

Chất béo trong thức ăn cần thiết cho sự tiêu hóa và hấp thu của những vitamin tan trong dầu như Vitamin A, D, E, K. Cholesterol ( 1 loại chất béo) là thành phần của acid mật và muối mật rất cần cho quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng ở ruột. Ngoài ra cholesterol còn tham gia vào thành phần của một số hormon steroid điều hòa cơ thể.

Trong chế biến thực phẩm, chất béo cần cho chế biến nhiều loại thức ăn, tạo cảm giác ngon miệng và làm chậm cảm giác đói sau bữa ăn.

Vai trò của lipid với sức khỏe con người

Vai trò của lipid với sức khỏe con người

Các loại thực phẩm giàu lipid và lưu ý khi sử dụng

Bác sĩ tư vấn: Mỡ là khái niệm thường gọi nhầm thay cho lipid, bởi khi nhắc tới lipid là nhắc tới nguồn cung quan trọng nhất đó chính là mỡ. Mỡ được lấy từ lớp mỡ dày dưới da hay lớp mỡ bao quanh phủ tạng của các loại động vật như: Mỡ lơn, mỡ bò, mỡ cừu… Với các thành phần acid béo chính là acid oleic, palmitic và stearic. Hàm lượng acid béo no trong mỡ thường cao ( hơn 50%), các acid béo chưa no chiếm ( 35 – 50%). Trong mỡ còn chứa cholesterol, đây không phải là một chất xấu mà nó là nguyên liệu cần thiết cho hoạt động tạo mật, hormon sinh dục. Nhưng với chế độ ăn quá nhiều cholesterol đặc biệt ở người già dễ gây nguy cơ xơ vữa động mạch, các bệnh lý về tim mạch khác…

Khác với mỡ động vật kể trên, mỡ cá, dầu cá được cho rằng có hàm lượng acid béo chưa no cao hơn và giúp cung cấp nhiều các acid béo quý như omega 3, DHA…

Bơ động vật cũng là một nguồn cung cấp lipid với đặc điểm rất thơm và ngon. Bơ bản chất được tạo ra từ sữa, lấy chất béo trong sữa kết hợp với một số nguyên liệu khác tạo ra bơ. Trong bơ có chứa 80% lipid, còn lại là protein, glucid, nước va một số chất khoáng, trong bơ chủ yếu là chất béo no. Bơ là nguồn cung cấp tốt vitamin A và D. Bơ cần được bảo quản ở nhiệt độ lạnh thích hợp tránh bị hư hỏng.

Các loại dầu thực vật thường dùng là dầu lạc, dầu cừng, dầu oliu, dầu đậu nành… với đặc điểm chứa nhiều acid béo không no. Dầu cần được bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời hay nơi có nhiệt độ cao. Vì nếu bảo quản không tốt, dầu mỡ có thể bị chua gây tiêu chát, bị  oxy hóa và phân hủy thành các chất có hại cho cơ thể. Dầu mỡ đun ở nhiệt độ cao, kéo dài, nhiều lần sẽ bị phân hủy thành những chất độc có khả năng gây ung thư.

Nguồn tapchisuckhoe.edu.vn