Hướng dẫn xử trí chảy máu mũi cho trẻ tại nhà

Chảy máu mũi là tình trạng thuộc vùng tai mũi họng khá phổ biến ở trẻ em, lứa tuổi gặp nhiều nhất ở giai đoạn 2 đến 10 tuổi. Bệnh xuất hiện khi các mạch nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu.

Hướng dẫn xử trí chảy máu mũi cho trẻ tại nhà
Hướng dẫn xử trí chảy máu mũi cho trẻ tại nhà

Phân loại chảy máu mũi (chảy máu cam)

Chảy máu mũi hay còn gọi là chảy máu cam, được chia thành 2 loại, chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.

Chảy máu mũi trước là tình trạng như thế nào?

Chiếm khoảng 90% trường hợp. Xuất phát từ phía trước mũi. Khu vực này chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hay khi có chấn thương cục bộ (ngoáy mũi, day mũi). Thường chảy máu một bên. Máu mũi chủ yếu chảy ra phía trước, số lượng ít chảy xuống họng.

Nguyên nhân thường gặp như mạch máu quá nhạy cảm và có thể vỡ khi thời tiết hanh khô, hoặc khi sử dụng lò sưởi, máy điều hòa trong một thời gian dài.

Ngoáy mũi hay các loại chấn thương cục bộ khác: Xì mũi quá mạnh, Trẻ nhét dị vật vào mũi, chấn thương mũi…

Bệnh lý tại mũi: Viêm mũi, u vùng mũi…

Bệnh lý toàn thân: Máu khó đông, ung thư máu…

Chảy máu mũi sau là tình trạng như thế nào?

Chiếm khoảng 10% trường hợp, thường liên quan tới các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi. Thường xuất hiện ở người cao tuổi bị tăng huyết áp hoặc do chấn thương. Thường chảy máu cả hai bên.  Máu mũi chảy ra phía sau và chủ yếu đi xuống họng.

Xử trí khi trẻ bị chảy máu mũi

Nếu chăm sóc đúng cách, phần lớn các trường hợp chảy máu mũi trước sẽ tự ngừng. Bạn cần biết cách sơ cứu tại chỗ đúng cách và kịp thời tránh tình trạng mất máu quá nhiều có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Đầu tiên cần đặt trẻ ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về trước. Không đặt trẻ nằm hay ngả đầu ra sau vì có thể khiến cho trẻ bị sặc, ho do máu chảy xuống miệng. Nếu máu chảy xuống miệng, không được nuốt mà hãy đẩy chúng ra ngoài ngay lập tức.

Cách sơ cứu trẻ đúng cách khi bị chảy máu mũi
Cách sơ cứu trẻ đúng cách khi bị chảy máu mũi

Dùng ngón trỏ và ngón cái của bạn bóp chặt hai bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm) của trẻ. Không bóp phần xương sống mũi vì làm vậy không thể giúp cầm máu, cũng đừng ấn một bên cánh mũi, kể cả nếu chỉ chảy máu ở một phía. Bóp chặt cánh mũi liên tục trong 10 phút để máu có thời gian để tạo cục máu đông. Thả tay quá sớm hoặc quá thường xuyên có thể khiến máu chảy kéo dài.

Có thể chườm lạnh hay đặt khăn mát lên vùng gốc mũi và má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm một viên đá. Điều này giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu.

Hướng dẫn trẻ nhổ máu tích tụ trong miệng vì nuốt máu có thể gây nôn.

Cho trẻ uống thêm nước mát để tẩy bớt mùi máu trong miệng.

Có thể dùng thuốc co mạch tại chỗ (Afrin hoặc Rhinex) nhỏ vào mũi để làm ngưng chảy máu.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện để khám?

Nếu trẻ xuất hiện những biểu hiện dưới đây thì cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị:

  • Máu vẫn tiếp tục chảy sau khi đã làm các bước trên. Trẻ bị chảy máu mũi nhiều lần trong thời gian ngắn.
  • Khi bị chảy máu kèm hoa mắt, chóng mặt. Tim đập nhanh, khó thở. Trẻ nôn ra máu.
  • Sốt cao liên tục từ 2 – 3 ngày hoặc phát ban.
  • Cha mẹ cần chú ý đến tình trạng chảy máu mũi của trẻ. Tuy không gây nguy hiểm cấp nhưng sẽ tiềm ẩn nhiều bệnh lý liên quan khác. Và cần đưa trẻ đi khám nếu mức độ bệnh không có dấu hiệu giảm.

Nguồn: tapchisuckhoe.edu.vn