Tổn thương tuỷ sống không có nghĩa là tàn phế

Tổn thương tuỷ sống là khi phần tuỷ sống bị tổn thương gây ảnh hưởng lên phần cơ thể do tuỷ sống kiểm soát. Tổn thương tuỷ sống có thể gây liệt hai chân hoặc liệt tứ chi.

Tổn thương tuỷ sống không có nghĩa là tàn phế

Tổn thương tuỷ sống không có nghĩa là tàn phế

Mục tiêu đưa người bệnh tổn thương tuỷ sống tái hoà nhập cộng đồng, tự chăm sóc bản thân là vô cùng quan trọng.

Tổn thương tuỷ sống là như thế nào?

Mọi người có thể đã nghe đến tuỷ sống nhiều nhưng không hình dung được vị trí cũng như chức năng của nó. Ai cũng biết cơ thể người có bộ phận là cột sống. Các đốt sống có lỗ đốt sống. Các đốt sống xếp chồng nên nhau khiến cho lỗ đốt sống cũng xếp chồng lên nhau tạo thành ống sống chứa tuỷ sống. Tuỷ sống là một phần của thần kinh trung ương. Tuỷ sống là đường thần kinh nối tiếp hành não xuống đến đốt sống thắt lưng II. Từ tuỷ sống, các dây thần kinh toả đi khắp cơ thể. Tuỷ sống có thể bị tổn thương do chấn thương, bệnh viêm tuỷ cắt ngang, thoát vị đĩa đệm….Khi tổn thương tuỷ sống thì cảm giác và vận động phía dưới mức tổn thương bị mất, giảm hoặc rối loạn. Nếu tổn thương tuỷ cổ sẽ gây liệt tứ chi. Nếu tổn thương từ tuỷ lưng xuống sẽ gây liệt hai chi dưới và phần thân thể tương ứng. Đi liền với các tổn thương này là những rối loạn về tiểu tiện, rối loạn thần kinh giao cảm, tim mạch, hô hấp…khiến người bệnh đại tiểu tiện không tự chủ, bệnh nhân không đi lại được, mất cảm giác khiến loét nhanh chóng hình thành. Điều này khiến người bệnh phụ thuộc nhiều vào người xung quanh. Trong khi vết loét và rối loạn đại tiểu tiện lại khiến người chăm sóc cảm thấy khó chịu. Tổn thương tuỷ sống lại hay gặp ở những người trẻ, người trong độ tuổi lao động, nam giới trụ cột trong gia đình nên kéo theo hệ luỵ gây khó khăn về tài chính cho gia đình cũng như bất ổn tâm lý cho người bệnh. Nếu gia đình và người bệnh không hiểu rõ về bệnh sẽ khiến bệnh nhân từ tàn tật trở thành tàn phế.

Tổn thương tuỷ sống là như thế nào?

Tổn thương tuỷ sống là như thế nào?

Làm thế nào để người bệnh tổn thương tuỷ sống tàn nhưng không phế?

Bác sĩ tư vấn: Mặc dù Việt Nam chưa có nhiều phương tiện hiện đại như ở nước ngoài nhưng tại các khoa phòng phục hồi chức năng đã có đơn vị riêng cho bệnh nhân tổn thương tuỷ sống. Tại các đơn vị này, bệnh nhân sẽ được đánh giá mức độ tổn thương tuỷ sống, đánh giá khả năng hồi phục để thiết lập mục tiêu cần đạt được. Tuỳ thuộc tổn thương, có những bệnh nhân có thể phục hồi được khả năng đi lại, có bệnh nhân phải chấp nhận ngồi xe lăn. Tuy nhiên với bệnh nhân nào đi chăng nữa, mục tiêu chung cần đạt là bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân, bệnh nhân tàn tật nhưng không tàn phế. Tại các khoa phục hồi chức năng, bệnh nhân được sự hỗ trợ của các loại máy móc cũng như tập luyện cùng các kỹ thuật viên để hướng đến độc lập tối đa cho bệnh nhân. Sau thời gian nằm ở viện, bệnh nhân cần chấp nhận sự tàn tật của mình và học cách tự chăm sóc, sử dụng khả năng còn lại của mình.

Những điều bệnh nhân tổn thương tuỷ sống cần làm sau khi ra viện

Sau ra viện bệnh nhân cần đảm bảo giữ gìn về sinh da, thường xuyên kiểm tra da và phát hiện vết loét từ giai đoạn sớm. Học cách tự đặt sonde tiểu, luyện tập thói quen đại tiện và tự móc phân nếu có táo bón. Bên cạnh đó cần tập luyện thường xuyên để tránh co cứng, tránh biến dạng khớp, tập tăng cường sức mạnh chi trên để thay thế cho chức năng chi dưới, tập sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như xe lăn, thìa có cán to, áo khoá dán…để tự phục vụ bản thân. Gia đình cũng cần cải thiện môi trường cho phù hợp với bệnh nhân bằng cách cải tạo lối đi cho xe lăn, giường, bếp, nhà vệ sinh…có chiều cao phù hợp với bệnh nhân và sớm đưa bệnh về với cộng đồng, làm công việc phù hợp để có thu nhập.

Nguồn tapchisuckhoe.edu.vn