Sau sự việc một bác sĩ dùng bia cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc rượu, nhiều người cho rằng khi bị ngộ độc rượu cứ truyền bia là được, vậy ý kiến của bác sĩ về vấn đề này thế nào?
Bác sĩ cảnh báo người dân không được tự ý dùng bia giải ngộ độc rượu
Các bác sĩ cho biết, dùng bia (có ethanol) để giải ngộ độc rượu (chứa methanol) là có căn cứ khoa học, tuy vậy người dân không được tự ý áp dụng mà phải do bác sĩ quyết định, thực hiện.
Người dân không được tự ý dùng bia giải ngộ độc rượu
Theo Tin tức Y học mới nhất, mới đây một bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã dùng 15 lon bia cấp cứu một bệnh nhân bị ngộ độc rượu khiến nhiều người bất ngờ
Giải thích về phương pháp điều trị này, TS.BS Lương Quốc Chính (công tác tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết nếu ngộ độc methanol (là loại rượu công nghiệp, cực độc) cho bệnh nhân uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc, việc này là có cơ sở khoa học. Tuy nhiên nếu người bệnh bị ngộ độc rượu ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục cho uống ethanol thì tình trạng sẽ càng nặng hơn.
Chính vì thế, việc xác định người bệnh bị ngộ độc ethanol hay methanol cần phải được thực hiện bởi các cơ sở y tế, bởi việc ngộ độc hai chất này có nhiều điểm khác biệt trong cách nhận biết và xử trí, người dân không được tự ý dùng bia để giải rượu.
Phân biệt ngộ độc rượu ethanol và methanol
Bác sĩ Phạm Văn Hữu, giảng viên văn bằng 2 Cao đẳng Dược Pasteur cho biết, trong Hướng dẫn, xử trí, điều trị ngộ độc năm 2015, Bộ Y tế nêu rõ ngộ độc ethanol và methanol là hai dạng ngộ độc có phương pháp chẩn đoán và điều trị không giống nhau.
Theo Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, Ethanol là chất có trong các loại rượu, bia thực phẩm thường được bán phổ biến trên thị trường. Nếu người uống bị ngộ độc nhẹ, ethanol sẽ được đào thải nhanh qua đường hô hấp. Trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc nặng sẽ có các biểu hiện như: vật vã kích thích, nôn nhiều, thậm chí co giật… phải vào viện cấp cứu.
Methanol thường hay còn gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi,… Bác sĩ tư vấn cho biết, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Methanol hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hóa, phần lớn chuyển hóa qua gan nhưng chậm.
Bản thân chất methanol tác dụng giống ethanol (khiến người sử dụng có các biểu hiện kiểu “say rượu”), tuy nhiên sau đó methanol chuyển hóa thành axit formic, thành formate, các chất này gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác.
Ngộ độc methanol có thể gây tử vong
Nếu như trong rượu uống có cả ethanol và methanol, việc chuyển hóa gây độc của methanol xuất hiện chậm hơn và biểu hiện nhiễm độc muộn hơn. Thông thường người bệnh và bác sĩ có thể chỉ chú ý đến ngộ độc kiểu ethanol lúc đầu và dễ bỏ sót giai đoạn ngộ độc về sau của methanol. Các thầy thuốc tư vấn cho biết, ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.
Một số biện pháp điều trị cơ bản như: Trường hợp người bệnh bị hôn mê sâu, co giật, ứ đọng đờm rãi, tụt lưỡi, suy hô hấp, thở yếu, ngưng thở, cần cho người bệnh nằm nghiêng, đặt canuyn miệng, hút đờm rãi, thở oxy, đặt nội khí quản, thở máy với chế độ tăng thông khí (tùy theo mức độ).
Cần cho bệnh nhân đến các cơ sở y tế kịp thời để điều trị khi có dấu hiệu ngộ độc.