Điều trị ung thư: Không phẫu thuật, không đau, không nằm viện, an toàn và hiệu quả    

Công trình nghiên cứu liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư của các nhà khoa học tại Trường Đại học học Y Hà Nội được xem như bước đột phá khi điều trị ung thư.

GS.TS. Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao đổi với PGS.TS Trần Huy Thịnh.

GS.TS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao đổi với PGS.TS Trần Huy Thịnh.

Đặc biệt, đây là một phương pháp điều trị mang tính đột phá: Không phẫu thuật, không đau, an toàn và hiệu quả cao.

“Thuốc” điều trị là tế bào miễn dịch tự thân

Liệu pháp miễn dịch là một cách tiếp cận mới trong điều trị ung thư hiện đại với việc kích hoạt chính các tế bào của hệ thống miễn dịch trong cơ thể để nhận diện, tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư. Không chỉ có độ an toàn cao, liệu pháp miễn dịch còn giúp các bệnh nhân nhanh chóng cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Miễn dịch trị liệu là giải pháp đã được các nhà khoa học trên thế giới công nhận mang tính đột phá trong ngành ung thư và miễn dịch. Đây được đánh giá là một phát minh làm thay đổi hiệu quả trong điều trị ung thư. Tại Việt Nam, Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang thử nghiệm lâm sàng một trong những phương pháp này.

Trao đổi với VietTimes, PGS.TS. Trần Huy Thịnh – Đơn vị tế bào trị liệu, Đại học Y Hà Nội – một thành viên chủ chốt trong nhóm nghiên cứu cho biết: Miễn dịch trong điều trị ung thư có nhiều phương pháp điều trị, nhiều cách tiếp cận khác nhau như sử dụng cytokin, vaccine ung thư, thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch và liệu pháp tế bào miễn dịch.

Tại Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ đi theo hướng sử dụng công nghệ hoạt hóa, tăng sinh tế bào miễn dịch tự thân, sau đó đưa các tế bào đã hoạt hóa này quay trở lại cơ thể người bệnh để điều trị ung thư. Như vậy, “thuốc” để điều trị ung thư bằng phương pháp này là tế bào miễn dịch của chính người bệnh.

Tuy liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư được thử nghiệm tại Đại học Y Hà Nội không phải là phương pháp mới trên thế giới, nhưng đáp ứng được tiêu chí đảm bảo an toàn cho người bệnh và điều trị ung thư hiệu quả.

Ưu thế của phương pháp này là có thể điều trị cho hầu hết các loại ung thư mô đặc như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư gan… Bên cạnh đó, bệnh nhân không cần phải nằm viện, không ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của họ.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư có rất nhiều hướng tiếp cận, trong đó, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội đã áp dụng phương pháp hoạt hóa tế bào miễn dịch tự thân để tế bào này tự tìm, diệt các tế bào ung thư.

PGS.TS Trần Huy Thịnh cho biết, đến nay đã có hơn 60 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này, thử nghiệm tại cả Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K Trung ương. Trong đó, có khoảng hơn 30 bệnh nhân đã kết thúc một liệu trình điều trị, mỗi liệu trình kéo dài trong 3 tháng với 6 lần truyền, nhóm bệnh nhân đầu tiên đã kết thúc toàn bộ chu kỳ điều trị cách đây gần 1 năm.

Nhận lại “vốn quý nhất của một con người”

“Mặc dù thời gian 1 năm sau khi điều trị chưa đủ dài để đánh giá chính xác kết quả điều trị, song hầu hết các bệnh nhân đều có kết quả kiểm soát bệnh tốt. Bệnh không tiến triển, các biểu hiện, triệu chứng của bệnh được cải thiện rõ rệt” – PGS.TS. Trần Huy Thịnh chia sẻ.

Không chỉ giúp cải thiện tình trạng bệnh, sức khỏe của các bệnh nhân cũng được nâng cao rõ rệt. Nhờ phương pháp điều trị này, bệnh nhân có thể ăn uống, ngủ tốt hơn, giảm các triệu chứng của bệnh và đặc biệt có tác dụng giảm đau rõ rệt, một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân ung thư, từ khi tham gia điều trị, các bệnh nhân ung thư thường không cần hoặc ít phải sử dụng thuốc giảm đau để cắt các cơn đau liên quan đến bệnh.

“Điều này thấy rõ nhất ở các bệnh nhân phải điều trị bằng hóa chất trước khi sử dụng liệu pháp miễn dịch. Các bệnh nhân đó thường bị suy kiệt cơ thể. Nhưng nay, nhiều bệnh nhân tăng cân trở lại và khoảng trên 10% bệnh nhân giảm kích thước khối u rõ rệt. Hầu hết các bệnh nhân đều rất hài lòng với kết quả mà họ nhận được sau khi điều trị bệnh bằng liệu pháp này” – PGS.TS. Trần Huy Thịnh cho hay.

PGS.TS. Trần Huy Thịnh và đồng nghiệp tại Nhật Bản.

PGS.TS. Trần Huy Thịnh và đồng nghiệp tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư cũng sẽ có những hạn chế riêng. Phương pháp này không sử dụng cho các bệnh nhân ung thư máu. Bên cạnh đó, khi bệnh nhân bước vào giai đoạn toàn phát, bệnh di căn tới nhiều bộ phận trong cơ thể, liệu pháp miễn dịch sẽ không phát huy tác dụng và không đem lại kết quả mà người bệnh mong muốn.

Vì vậy, để liệu pháp miễn dịch đạt hiệu quả tốt nhất, bệnh ung thư cần được phát hiện và điều trị ở những giai đoạn sớm, đặc biệt là phối hợp liệu pháp miễn dịch với các phương pháp điều trị ung thư khác để nâng cao hiệu quả điều trị.

Hiện nay, liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đang được thử nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K Trung ương, trong số các bệnh nhân tham gia thử nghiệm, trên 65% bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối, 30% bệnh nhân ung thư giai đoạn 3 và một số ít bệnh nhân ở giai đoạn 2.

Phương pháp này chỉ có chi phí chỉ bằng 1/5 chi phí điều trị bệnh tại Nhật Bản, bệnh nhân được miễn phí toàn bộ các hoạt động hoạt hóa tế bào miễn dịch và chỉ phải chi trả các vật tư, hóa chất, thuốc, chất hoạt hóa tăng sinh tế bào…

Cuối năm 2019, Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K Trung ương sẽ báo cáo tổng kết sơ bộ về giai đoạn điều trị thử nghiệm trong 2 năm với Bộ Y tế, sau đó xem xét các giai đoạn triển khai tiếp theo.

“Với kết quả ban đầu như trên, mong rằng trong tương lai liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư sẽ được nhân rộng, cung cấp thêm sự lựa chọn, 1 biện pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư” – PGS.TS. Trần Huy Thịnh tâm sự.

: Công trình liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư là phát minh có tính đột phá của GS. Tasuku Honjo (Nhật Bản), đã được trao Giải thưởng Nobel 2018. Người học trò Việt Nam xuất sắc của GS. Tasuku Honjo là GS. Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – đã tiếp nối sự sáng tạo của người thầy vĩ đại khi trở về Việt Nam, bằng công trình nghiên cứu ứng dụng liệu pháp này vào thực tế

Năm 2015, công trình của GS. Văn đã được Bộ Y tế phê duyệt và từ năm 2017 được thử nghiệm trên người tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện K.

Theo GS. Tạ Thành Văn, liệu pháp miễn dịch trị liệu ung thư có 2 hướng: Một là kích hoạt các hệ thống tế bào có thẩm quyền miễn dịch hoạt động mạnh hơn ngay tại khối u, để các tế bào có khả năng nhận diện và tiêu diệt chính xác tế bào ung thư. Hai là lấy tế bào miễn dịch của bệnh nhân ra ngoài cơ thể để nhân lên, biệt hóa trong điều kiện đặc biệt, rồi truyền lại cho bệnh nhân, để tiêu diệt tế bào ung thư.

 Hai hướng này có chung cơ sở khoa học là tăng cường chức năng của các tế bào có thẩm quyền miễn dịch, nhưng cách tiếp cận hơi khác nhau.

  1. Honjo đi theo hướng thứ nhất, còn nhóm nghiên cứu của GS. Tạ Thành Văn và các cộng sự tại Trường Đại học Y Hà Nội đi theo hướng thứ hai.

 Sau khi thử nghiệm lâm sàng trong 3 năm, các nhà khoa học Việt Nam sẽ tổng kết để Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đánh giá, kết luận trước khi áp dụng rộng rãi.

Công trình khoaa học này được hy vọng sẽ đưa thêm một giải pháp để điều trị căn bệnh hiểm nghèo đang khiến gần 100.000 người tử vong mỗi năm ở Việt Nam.

Nguồn https://viettimes.vn/bai-3-dot-pha-trong-dieu-tri-ung-thu-khong-phau-thuat-khong-dau-khong-nam-vien-an-toan-va-hieu-qua-356761.html