Loét tỳ đè thường hay gặp ở người bị tai biến, người già nằm lâu…do trọng lực đè ép lên vị trí lâu ngày. Điều trị loét rất khó khăn và nếu phát hiện muộn có thể tử vong.
- Tìm hiểu mãn dục nam ở người cao tuổi
- Những lưu ý khi sử dụng thuốc mỡ máu dành cho người cao tuổi
- Dược sĩ tư vấn cách dùng thuốc an toàn cho người cao tuổi
Cách phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân loét tỳ đè
Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia về bệnh loét tỳ đề giúp bạn có thể phòng tránh.
Cách phòng ngừa
Nguyên tắc của phòng ngừa loét là loại bỏ hoặc giảm lực đè ép kéo dài, hạn chế các yếu tố nguy cơ và để ý đến bệnh lý của bệnh nhân. Đối với các bệnh lý ảnh hưởng đến loét tỳ đè như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi chăm sóc bệnh nhân cần chú ý chăm sóc, vệ sinh da hàng ngày, dùng khăn khô lau mồ hôi để tránh ẩm ướt da. Đặc biệt những bệnh nhân không kiểm soát được đường tiểu, tiểu dầm thì lại càng cần vệ sinh kỹ càng để vừa tránh nhiễm trùng đường tiểu, vừa tránh loét cho vùng cùng cụt. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng cũng là vấn đề quan trọng để cung cấp đủ Protein đảm bảo cho quá trình tăng cơ, đủ vitamin C, vitamin A, kẽm làm nhanh lành vết thương, vitamin C giúp tăng cường miễn dịch, hạn chế nhiễm khuẩn các vết loét. Vấn đề này lại càng được quan tâm hơn ở những bệnh nhân suy kiệt, người già nằm lâu ngày. Hạn chế lực đè ép và thời gian đè ép bằng cách thường xuyên thay đổi tư thế cho bệnh nhân. Theo một số bác sĩ, nên thay đổi tư thế cho bệnh nhân 2 giờ/lần.
Tuy nhiên, nếu có thời gian chăm sóc bệnh nhân, nên thay đổi tư thế cho bệnh bất cứ khi nào có thể nếu không có chống chỉ định như bệnh nhân đang nghi ngờ nhồi máu cơ tim hay đang trong giai đoạn tối cấp của xuất huyết não. Lưu ý tránh một số động tác khi thay đổi tư thế ở những bệnh nhân mổ thay khớp háng, gãy cổ xương đùi…Sau mỗi lần thay đổi tư thế cần kiểm tra xem bệnh nhân có đỏ da ở bất kỳ vị trí nào không để tránh tiếp tục đè ép vào vị trí đó. Nếu như có điều kiện, hãy đặt bệnh nhân nằm đệm hơi vì đệm này có tác dụng thay đổi lực đè ép. Không nên cho bệnh nhân nằm đệm nước hay dùng vòng hơi kê ở vùng mông. Bệnh nhân có thể nằm ngửa hoặc nằm sấp sẽ ít nguy hiểm hơn khi nằm ở tư thế nằm nghiêng hoặc nửa nằm, nửa ngồi. Có thể dùng gối hoặc kê lưng để cho người bệnh cảm thấy thoải mái nhất. Nếu bệnh nhân bị liệt hoàn toàn, người nhà có thể xoa bóp kết hợp tập vận động cho bệnh nhân để tăng cường tuần hoàn, duy tính tính đàn hồi của cơ, của mạch máu, tránh tình trạng ứ trệ tuần hoàn. Ngoài ra có thể bôi thêm các dung dịch hỗ trợ để tăng sự đàn hồi.
Cách phòng ngừa
Cách chăm sóc loét
Bác sĩ tư vấn: Khi phát hiện vết loét cần loại trừ nguy cơ ép khỏi vùng loét, dùng gối giải phóng điểm bị ép và xoa bóp vùng da đó hàng ngày. Dùng dung dịch điều trị thoa hoặc xịt da, xoa đều nhẹ nhàng trong một phút để ngấm thuốc. Khi vùng loét xuất hiện các nốt phỏng thì cần phải đảm bảo sự toàn vẹn của nốt phỏng, tránh bội nhiễm. Khi vùng tỳ đè đã bị trượt ra thì chăm sóc da giống như chăm sóc vết bỏng. Rửa vết loét bằng nước muối sinh lý, có thể bôi mỡ kháng sinh tránh nhiễm trùng, sử dụng miếng dán chuyên dụng để băng vết thương. Bên cạnh đó cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân,đặc biệt là bổ sung đạm.
Khi đã xuất hiện vết loét thì tiến triển của vết loét sẽ diễn ra rất nhanh và khó điều trị nên cách tốt nhất là chăm sóc tốt để phòng ngừa loét xuất hiện. Nếu loét xuất hiện mà người thân không có kỹ năng chăm sóc thì nên đưa bệnh nhân vào viện để ngăn loét ăn sâu vào tổ chức cơ, xương, gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Nguồn tapchisuckhoe.edu.vn