Nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng khi thấy trẻ nổi hạch ở cổ, đặc biệt là khi tình trạng này kéo dài mà không rõ nguyên nhân, khiến cha mẹ thêm phần bất an.
- Tại sao mẹ bầu cần thực hiện sàng lọc tiền sản giật sớm?
- Hướng dẫn sử dụng thuốc nội tiết cho phụ nữ tiền mãn kinh
Hãy cùng các chuyên gia tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn khám phá về tình trạng nổi hạch ở cổ ở trẻ, giúp phụ huynh nhận diện sớm các dấu hiệu và có phương pháp xử lý phù hợp để đảm bảo sức khỏe của trẻ.
Trẻ nổi hạch ở cổ – Những điều cần biết
Trong cơ thể, có khoảng 600 hạch bạch huyết, một số nằm dưới da, một số khác sâu trong cơ thể như trung thất, ổ bụng. Vai trò của các hạch bạch huyết là giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và dị ứng.
Các hạch bạch huyết có thể sờ thấy dưới da ở những vị trí như cổ, sau tai, dưới cằm, dưới hàm, vùng gáy, hố nách, háng,… Hạch cổ dễ nhận thấy nhất vì có số lượng tập trung nhiều. Khi trẻ bị nhiễm trùng hoặc dị ứng tại những vùng da này, hạch sẽ nổi lên để chống lại tác nhân gây bệnh. Lúc này, các hạch di chuyển, không đau, không sưng nóng và thường chỉ có một hoặc vài hạch. Trong trường hợp này, các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng vì đây là tình trạng hạch nổi cấp tính và sẽ xẹp xuống sau khi trẻ khỏi bệnh.
Hầu hết các trường hợp nổi hạch ở cổ là lành tính. Khi tình trạng nhiễm trùng hay dị ứng giảm bớt, các hạch tự động xẹp. Tuy nhiên, nếu hạch kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn mà không xác định được nguyên nhân, kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, sốt liên tục, đổ mồ hôi vào ban đêm,… thì phụ huynh cần lưu ý, vì đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Điều trị tình trạng trẻ nổi hạch ở cổ lâu ngày mức độ nhẹ, nguyên nhân rõ ràng
Khi hạch nổi lâu nhưng mức độ nhẹ và đã xác định được nguyên nhân, phụ huynh cần đánh giá tình trạng của hạch và nguyên nhân gây ra sự phình to. Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, phụ huynh nên đảm bảo cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, vì các tác nhân gây bệnh có thể khiến cơ thể trẻ mệt mỏi. Đặc biệt, với trẻ có cơ địa dị ứng, cần dọn dẹp nhà cửa thường xuyên và cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Cung cấp đủ nước và chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ phục hồi nhanh chóng.
Bác sĩ tư vấn nếu trẻ cảm thấy khó chịu hoặc tự ti về các hạch ở cổ, phụ huynh nên an ủi, giải thích cho trẻ rằng các hạch sẽ tự biến mất khi bệnh khỏi và trẻ không cần phải lo lắng.
Điều trị tình trạng trẻ nổi hạch ở cổ lâu ngày mức độ nặng, nguyên nhân khó xác định
Trường hợp hạch nổi lâu ngày, kéo dài trên 2-3 tuần mà không giảm, nguyên nhân không rõ ràng và kèm theo các triệu chứng như sau, cần điều trị tích cực:
- Hạch sưng to, có xu hướng gia tăng kích thước.
- Hạch căng, bóng, đỏ ửng.
- Hạch cứng, không di chuyển khi sờ.
- Hạch gây đau, ảnh hưởng đến nuốt và thở.
- Trẻ sốt cao kéo dài, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Trẻ suy nhược, mệt mỏi, ăn ngủ kém.
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu như chụp chiếu, sinh thiết để tìm nguyên nhân. Các bệnh lý nghiêm trọng như viêm hạch mạn tính, lao, giang mai, ung thư hạch hoặc ung thư di căn có thể là nguyên nhân. Tùy thuộc vào bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như dùng kháng sinh, phẫu thuật, hoặc hóa trị, xạ trị.
Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Sài Gòn chia sẻ khi trẻ nổi hạch ở cổ lâu ngày, dù mức độ nhẹ hay nặng, cha mẹ vẫn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp hạn chế biến chứng và đảm bảo hiệu quả điều trị cao.