Cảnh báo dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ có thể lên đến 50% hoặc hơn, đặc biệt, những người đã lập gia đình. Vậy những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thường xảy ra như thế nào?

Nhiễm khuẩn tiết niệu có thể biến chứng nguy hiểm

Nhiễm khuẩn tiết niệu có thể biến chứng nguy hiểm

Nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng đường tiểu là gì?

Bác sĩ Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn tư vấn, đường tiết niệu hình thành từ nhiều cơ quan, bao gồm:

  • Thận
  • Niệu quản
  • Bàng quang
  • Niệu đạo

Bất kỳ sự tấn công của các vi sinh vật gây bệnh nào đến bốn bộ phận trên đều được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu (còn gọi nhiễm trùng đường tiểu hoặc viêm đường tiết niệu). Phần lớn trường hợp, bệnh chủ yếu diễn ra ở niệu đạo và bàng quang. Mặc dù nhiễm trùng ở niệu quản và thận tương đối hiếm gặp, nhưng so với nhiễm trùng bàng quang hay niệu đạo, tình trạng này nguy hiểm hơn.

Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng TPHCM chia sẻ các triệu chứng viêm đường tiết niệu bao gồm:

  • Có cảm giác buồn tiểu rõ và xảy ra với tần suất cao bất thường
  • Nước tiểu đục, sẫm màu và có mùi khai rất nồng
  • Cảm thấy đau rát khi tiểu
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau cơ và đau bụng

Tuy nhiên, dấu hiệu viêm đường tiết niệu còn có thể khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính (nam thường bị đau trực tràng, còn nữ hay bị đau ở vùng chậu), tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như bộ phận bị nhiễm trùng, chẳng hạn như:

Bàng quang

  • Vùng chậu chịu áp lực nặng nề, có thể kéo theo tình trạng co thắt, chuột rút ở bụng và lưng dưới, dẫn đến những cơn đau khó chịu.
  • Tiểu buốt, tiểu nhiều lần và thậm chí tiểu ra máu.

Niệu đạo

  • Có dịch tiết ra từ đây, đi chung với triệu chứng nóng rát khi tiểu.

Thận

  • Nhiễm trùng thận là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhất trong viêm nhiễm đường tiết niệu. Người gặp phải tình trạng này không chỉ bị đau bên hông (vị trí của thận) mà cơn đau còn có thể lan rộng đến lưng trên. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốt cao, ớn lạnh, run rẩy và mệt mỏi, suy nhược.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị ngay lập tức nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm trùng thận.

Niệu quản

Bộ phận này rất khó để các vi sinh vật gây bệnh tấn công nên nhiễm trùng niệu quản rất hiếm khi xảy ra. Do đó, các chuyên gia vẫn chưa rõ các biểu hiện đặc trưng cho trường hợp này.

Người bệnh đặt ống thông

Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở người đang đặt ống thông điều trị cho bệnh lý khác thường chỉ là tăng thân nhiệt. Điều này gây nhiều khó khăn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh.

Các nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Bác sĩ tư vấn, vi sinh vật là tác nhân chính gây nhiễm trùng đường tiểu, hầu hết là vi khuẩn. Tuy nhiên, đôi khi bạn cũng có thể mắc bệnh do nhiễm nấm hoặc virus.

Theo bác sĩ, phần lớn tình trạng đường tiểu bị nhiễm trùng thường do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) trong hệ tiêu hóa gây ra, chủ yếu ở bàng quang. Chlamydia và Mycoplasma cũng góp phần dẫn đến bệnh nhưng thường ở niệu đạo.

Cách phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu hiệu quả

Chỉ cần thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt có thể giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, chẳng hạn như:

  • Uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên, tuyệt đối không nhịn tiểu
  • Tránh dùng bia, rượu hay thức uống chứa nhiều caffeine có khả năng kích thích bàng quang
  • Dùng khăn sạch để lau từ trước ra sau sau khi đi tiểu
  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ
  • Tắm bằng vòi hoa sen, hạn chế tắm bồn
  • Cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn mua băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san
  • Tránh dùng nước hoa lên bộ phận sinh dục
  • Ưu tiên chọn đồ lót làm bằng vải cotton thoáng mát

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ quả nam việt quất có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn bám lên lớp niêm mạc bàng quang và gây viêm. Do đó, không ít chuyên gia dinh dưỡng cho rằng bổ sung loại trái cây nào vào khẩu phần ăn hàng ngày có thể giúp người bệnh hạn chế nguy cơ tái nhiễm trùng đường tiết niệu.