Dấu hiệu nhận biết trẻ bị còi xương

Cha mẹ thường có lo lắng rằng con ăn uống như vậy có đủ chất không? Liệu có bị còi xương không? Cần bổ sung gì để đề phòng còi xương?

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị còi xương

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị còi xương

Các dấu hiệu của còi xương

Còi xương là bệnh lý toàn thân xảy ra trên cơ thể mà hệ xương còn đang trong giai đoạn phát triển mạnh – thường gặp nhất ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh xuất hiện do có sự rối loạn chuyển hóa calci và phospho mà nguyên nhân chính là do thiếu cung cấp vitamin D.

Bác sĩ tư vấn: Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị còi xương gồm có dấu hiệu thần kinh và các dấu hiệu ở xương.

Các dấu hiệu thần kinh của còi xương thường xuất hiện sớm, nguyên nhân do rối loạn sự hấp thu, lắng đọng, bài tiết calci và phospho do thiếu vitamin D, có thể làm ảnh hưởng tới ổn định của nồng độ calci huyết gây nên các biểu hiện đặc trưng:

  • Trẻ hay quấy khóc, ngủ không yên giấc và hay bị giật mình.
  • Ra mồ hôi trộm ngay cả khi trời lạnh.
  • Rụng tóc ở gáy – rụng tóc vành khăn – dấu hiệu chiếu liếm là những biểu hiện xuất hiện muộn hơn cũng là kết quả của 2 vấn đề trên: Trẻ ra mồ hôi ngứa ngáy, kèm thêm sự kích thích nằm hay lắc đầu dẫn tới vùng tóc tiếp xúc với giường theo đó mà rụng dần.

Các dấu hiệu ở xương thường xuất hiện muộn hơn với các biểu hiện:

Mềm xương: Do sự lắng đọng calci và phospho vào xương bị hạn chế nên tốc độ cốt hóa chậm trẻ sẽ có biểu hiện thóp rộng, bờ thóp mềm, chậm liền thóp so với tuổi nói chung, ở trẻ nhỏ còn thấy xương sọ mềm, ấn vào có thể gây lõm. Răng mọc chậm và mọc lộn xộn. Nhìn chung mềm xuông là biểu hiện trong giai đoạn sớm của bệnh, nếu được điều trị đúng có thể cải thiện nhanh chóng và không để lại những di chứng nặng nề cho trẻ.

Qua giai đoạn mềm xương không được can thiệp trẻ sẽ có biểu hiện của tăng sinh và biến dạng xương:

  • Xương sọ: thóp chậm liền, xuất hiện các điểm tăng sinh xương tạo thành các bướu trán, bướu đỉnh làm cho đầu có hình “ lập phương”
  • Xương hàm dưới thường chậm phát triển, trong khi hàm trên chìa ra.
  • Xương lồng ngực biến dạng: Các khớp sườn – sụn ức tăng sinh tạo nên dấu hiệu “chuỗi hạt sườn”, lồng ngực biến dạng nhô lên ở phía trước gọi là dấu hiệu “ ức gà” hoặc bị lõm vào ở vùng ngang vú tạo nên ngực “hình chuông” hay ngực “hình phễu”.
  • Xương tay , đầu dưới xương quay và xương trụ tăng sinh phì đại tạo nên dấu hiệu “vòng cổ tay”.
  • Xương chân, tương tự đầu dưới xương chày tăng sinh, phì đại tạo thành “ vòng cổ chân”. Do xương trên bệnh nhân còi xương có đặc điểm loãng và mềm nói chung, xương chi dưới lại phải chịu trọng lượng của hầu như toàn bộ cơ thể nên dẫn tới biến dạng: Chân cong vòng kiềng hay cong hình chữ “O” , do cơ yếu nên khi đứng chân thường dựa đầu gối vào nhau nên có thể tạo nên chân hình chữ X.
  • Tương tự xương sống có thể bị cong, gù vẹo theo cơ chế như vậy

Các dấu hiệu của còi xương

Các dấu hiệu của còi xương

Sự tăng sinh và biến dạng là giai đoạn muộn của còi xương, những biến dạng này thường là vĩnh viện, không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà còn gây khó khăn trong vận động hay sinh nở sau này.

Ngoài ra, trẻ còi xương còn kèm theo yếu cơ, trẻ chậm biết ngồi, chậm đứng, chậm đi, trẻ cũng thường có thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt, hồng cầu to, gan lách to.

Phòng và điều trị còi xương như thế nào?

Trẻ còi xương có các nguy cơ về biến chứng cấp tính là hạ canxi máu, biến chứng lâu dài là sự biến dạng xương. Cần cho trẻ thăm khám bác sĩ, điều trị tích cực với vitamin D và calci theo y lệnh. Calci có dạng uống hoặc dạng tiêm, vitamin D có dạng uống, dạng tiêm hoặc cung cấp qua tắm nắng, chiếu đèn cực tím…

Với các biến dạng đã có, việc can thiệp điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả tốt: Mang nẹp, tập phục hồi chức năng, phẫu thuật chỉnh hình…

Để phòng còi xương cần chú ý bổ sung đầy đủ: vitamin D, calci và phospho… Trong đó calci và phospho có nhiều trong thực phẩm, còn vitamin D có được qua tắm nắng và viên uống bổ sung.

  • Đối với mẹ: Phải phòng còi xương từ khi còn trong bụng mẹ, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ cần bổ sung vitamin D liều 500-1000 IU/ ngày.
  • Đối với con: Tốt nhất là bú mẹ, vì sữa mẹ nhiều vitamin D và lượng calci và phospho trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn sữa bò. Ăn dặm đầy đủ chất, khi cai sữa sớm cần đảm bảo sữa ngoài cho trẻ. Cho trẻ chơi ngoài trời tận dụng nắng buổi sớm. Uống vitamin D hàng ngày là biện pháp chắc chắn nhưng cần thận trọng dùng đúng liều, trẻ có thóp liền quá sớm ( trước 8 tháng) thì không nên dùng.

Nguồn tapchisuckhoe.edu.vn