di-tieu-nhieu-nguyen-nhan-va-cach-chua-tri

Đi tiểu nhiều, nguyên nhân và cách chữa trị

Đi tiểu nhiều (cả về số lần và số lượng) gặp ở mọi lứa tuổi có thể là bệnh lý hoặc không? Nếu là người trưởng thành, người cao tuổi, tiểu nhiều do bệnh lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Vậy khi nào thì tiểu nhiều là bệnh lý? Hãy cùng tìm hiểu qua bài phỏng vấn các bác sĩ, chuyên gia đến từ trường Cao đẳng Y Dược Việt Nam sau đây.

di-tieu-nhieu-nguyen-nhan-va-cach-chua-tri

Đi tiểu nhiều, nguyên nhân và cách chữa trị

Hỏi: Thưa bác sĩ, nguyên nhân gây tiểu nhiều là gì ạ?

Trả lời:

Tiểu nhiều do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó các rắc rối về đường tiết niệu – sinh dục đóng vai trò đáng kể. Trước hết phải nói đến là viêm bàng quang. Khi bàng quang bị viêm, niêm mạc bị phù nề, vì vậy, khi có một lượng nước tiểu dù chưa đủ lớn nhưng đã kích thích gây buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần trong một ngày, đêm. Viêm bàng quang có thể cấp tính cũng có thể mạn tính. Viêm bàng quang cấp ngoài dấu hiệu tiểu nhiều lần, tiểu dắt, tiểu són, nhiều trường hợp còn thấy buốt khi tiểu và đôi khi trong nước tiểu có máu. Viêm bàng quang gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới, lý do là niệu đạo của nữ giới cấu tạo ngắn hơn nam giới và lỗ tiểu gần với hậu môn cho nên dễ bị nhiễm khuẩn ngược dòng gây viêm bàng quang cấp, mạn tính.

Tiểu nhiều cũng có thể do sỏi tiết niệu, nhất là sỏi bàng quang. Bệnh của bàng quang gây tiểu nhiều còn có viêm bàng quang kẽ (hội chứng đau bàng quang) hoặc sa bàng quang. Với các bệnh này của bàng quang cũng làm cho tiểu nhiều lần, tiểu liên tục và còn kèm theo các triệu chứng khác như rối loạn giấc ngủ, đau nửa đầu, trầm cảm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và bệnh càng ngày càng nặng thêm nếu không được điều trị.

Hỏi: Thưa bác sĩ, những ai dễ bị tiểu nhiều ạ?

Trả lời:

Ở nam giới trưởng thành, nhất là trung niên và người cao tuổi rất dễ bắt gặp tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến (còn gọi là u xơ tiền liệt tuyến) hoặc viêm tiền liệt tuyến gây nên tiểu nhiều lần, tuy rằng, số lượng nước tiểu mỗi lần là rất ít. Lý do là tiền liệt tuyến do cấu tạo, ôm lấy cổ bàng quang, nếu bị viêm hoặc tăng sinh phì đại, sẽ kích thích làm bàng quang co bóp tăng nhu động gây mót tiểu và tiểu nhiều lần. Viêm hoặc tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến thường có phản xạ đi tiểu liên tục, đặc biệt hay tiểu về đêm làm ảnh hưởng khá lớn đến giấc ngủ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động.

Tiểu nhiều còn có thể gặp ở trẻ em, trong trường hợp dị tật bẩm sinh bàng quang bé hoặc hẹp bao quy đầu (trẻ em trai) gây tiểu nhiều lần, tiểu rắt, són, đái buốt và rất dễ gây viêm đường tiết niệu. Một số bệnh ở cơ quan khác nhất là các cơ quan xung quanh bàng quang có thể gây tiểu nhiều như u xơ tử cung, viêm phần phụ ở nữ giới. Một số bệnh như đái tháo đường cũng có nguy cơ gây tiểu nhiều, liên tục, lý do là khi lượng đường trong máu không được kiểm soát do thiếu hụt insulin sẽ gây nên tổn thương đến hệ thần kinh, gây mất cảm giác, không điều khiển cơ bắp dẫn đến tiểu nhiều, tiểu són. Ngoài ra tiểu nhiều có thể gặp ở một số người bị béo phì, tăng cân.

Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi không mắc bệnh gì nhưng vẫn thấy tiểu nhiều lần cả về số lần lẫn lượng nước tiểu, đó là do chế độ ăn, uống. Ăn nhiều các loại quả chứa nhiều nước như dưa hấu, thanh long, lê có thể gây tiểu nhiều hoặc ăn, uống các loại canh, rau có tính chất lợi tiểu (canh cải) hoặc uống nước râu ngô cũng gây nên tiểu nhiều hoặc uống nhiều bia, nhất là bia hơi, bia lạnh. Ngoài ra, một số người bệnh bị phù (do nhiều nguyên nhân khác nhau), được bác sĩ kê đơn thuốc lợi tiểu cũng gây tiểu nhiều cả về số lần, cả về số lượng.

Các chuyên gia đầu ngành Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết để biết được nguyên nhân tiểu nhiều cần thực hiện khám bệnh, xét nghiệm và thăm dò chức năng.

di-tieu-nhieu-nguyen-nhan-va-cach-chua-tri

Bị tiểu nhiều cần làm gì?

Hỏi: Thưa bác sĩ, người bị tiểu nhiều cần làm gì ạ?

Trả lời:

Khi thấy tiểu nhiều cần được khám bệnh một cách nghiêm túc nhằm xác định nguyên nhân trên cơ sở đó để có hướng điều trị thích hợp. Cần khám bệnh càng sớm càng tốt, nếu để bệnh thành mạn tính có thể gây hậu quả không tốt cho sức khỏe. Khi thấy trẻ em trai đi tiểu nhiều lần, kêu rát, buốt, đái són, đái dầm cần cho trẻ đi khám bệnh để xác định nguyên nhân và xem có phải do hẹp bao quy đầu hay không, nếu có cần được xử trí càng sớm càng tốt, nếu để lâu sẽ gây viêm đường tiết niệu ngược dòng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Với các bệnh khác có liên quan đến tiểu nhiều như tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến (nam giới), u xơ tử cung, viêm phần phụ, tiểu khung (nữ giới) cũng cần điều trị tích cực, đúng chuyên khoa để bệnh chóng khỏi.

Để phòng bệnh cần phòng viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, viêm đường sinh dục ngoài, vệ sinh cá nhân bộ phận sinh dục ngoài thật tốt hàng ngày. Phụ nữ khi vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài, sau khi đi vệ sinh cần rửa nước từ trước ra sau để tránh nước đi qua hậu môn mang mầm bệnh gây viêm nhiễm tiết niệu ngược dòng. Cần ăn nhiều rau, trái cây, uống đủ lượng nước cần thiết để đề phòng sỏi đường tiết niệu. Tuy vậy, cần hạn chế uống nước, uống bia, ăn canh vào các buổi tối để tránh tiểu nhiều về đêm.