Để xác định hướng chăm sóc đúng cho người bệnh tiểu đường, chúng ta không những phải nắm rõ kiến thức lâm sàng về bệnh tiểu đường mà còn phải biết giáo dục cách chăm sóc và phòng ngừa bệnh cho bệnh nhân và gia đình.
Điều dưỡng giáo dục về bệnh đái tháo đường
Tiểu đường là gì?
Chuyên gia Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ, là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của bạn luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể của bạn thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường. Khi đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, thận, mắt, và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Bệnh tiểu đường có hai thể bệnh chính: bệnh tiểu đường tuýp 1 do tụy tạng không tiết insulin và tiểu đương tuýp 2 do giảm tiết và đề kháng với insulin.
Tuýp 1: có khoảng 5-10% tổng số bệnh nhân tiểu đường thuộc tuýp 1, chủ yếu là trẻ em và người trẻ tuổi. Các triệu chứng thường khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh. Các triệu chứng chính của tiểu đường tuýp 1 là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều (4 nhiều). Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như mờ mắt, dị cảm, dễ bị nhiễm trùng.
Tuýp 2: Chiếm khoảng 90-95% tổng số bệnh nhân bệnh tiểu đường, Thường gặp trên 40 tuổi, nhưng gần đây xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi 30 và thậm chí là thanh thiếu niên. Bệnh nhân có những triệu chứng giống như tuýp 1 nhưng ít hơn và chỉ được phát hiện khi có biến chứng hoặc khi tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ, khi bị nhiễm trùng kéo dài, bệnh nhân nữ bị ngứa vùng kín.
Triệu chứng:
Các triệu chứng thường thấy là tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nhiều, gầy nhiều:
Tiểu nhiều: Glucose niệu kéo theo lợi tiểu thẩm thấu làm tăng lượng nước tiểu, bệnh nhân thường xuyên mắc đi tiểu hơn người bình thường. Lượng nước tiểu từ 3-4 lít trong 24h hoặc có khi lên đến 5-10 lít trong 24h.
Ăn nhiều: Cơ thể không thể sử dụng đường để cung cấp năng lượng cho bệnh nhâ. Bệnh nhân luôn có cảm giác đói và đói chỉ sau một thời gian ngắn sau bữa ăn.
Uống nhiều: Mất nước làm kích thích trung tâm khát pở vùng hạ đồi, làm cho bệnh nhân có cảm giác khát và uống nước liên tục. Có khi uống tới 5-10 lít nước.
Gầy nhiều: Dù bệnh nhân ăn nhiều, uống nhiều nhưng cơ thể không sử dụng được glucose để tạo năng lượng buộc phải tăng cường chuyển hóa lipid và protid để tạo năng lượng bù trừ dẫn đến bệnh nhân sụt cân, gầy gò, xanh xao.
Với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thường ở giai đoạn đầu không có triệu chứng nào vì vậy bệnh thường chẩn đoán muộn khoảng 7-10 năm.
Điều dưỡng giáo dục về bệnh đái tháo đường
Làm thế nào để kiểm soát tiểu đường hiệu quả?
Bệnh nhân và gia đình cần biết được các nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng và biến chứng, các yếu tố thuận lợi, cụ thể:
Phòng phải thoáng mát và sạch sẽ.
Giữ ấm về mùa đông.
Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập thể dục điều độ.
Sử dụng các thuốc hạ đường huyết theo hướng dẫn.
Theo dõi, ngăn ngừa các biến chứng.
Phát hiện bệnh khi còn ở giai đoạn tiền lâm sàng bằng cách xét nghiệm đường huyết và đường niệu trong cộng đồng để có thể giúp cho bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn khi có rối loạn về các xét nghiệm trên, không cần dùng thuốc mà vẫn lao động và công tác bình thường.
Khi bệnh nhân đã nằm viện nên tuyên truyền cho họ hiểu được tầm quan trọng của chế độ ăn và cách sử dụng bảng chuyển đổi thức ăn.
Giáo dục cho bệnh nhân thể dục, lao động, luyện tập rất cần thiết trong điều trị tăng đường huyết vì làm giảm béo và làm giảm acid béo tự do, tăng tuần hoàn và cơ lực, làm giảm biến chứng xơ vữa, tăng lipoprotein có tỷ trọng cao (HDL), làm giảm triglycerid và cholesterol.
Tuy nhiên cần lưu ý khi bệnh nhân có đường máu 300 mg % hoặc ceton niệu, không được tập thể dục hoặc lao động nặng mà phải nghỉ ngơi.
Những người béo phì nên ăn một chế độ ăn ít calo so với những người bình thường và cũng được theo dõi kỹ hơn về các xét nghiệm đường máu và đường niệu. Tránh làm việc quá sức, xúc cảm mạnh khi bệnh nhân còn biểu hiện nhẹ.
Giáo dục cho bệnh nhân biết được các biến chứng dễ xảy ra và nhất là biến chứng nhiễm khuẩn, đề cao vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh da để tránh biến chứng.
Những người trong gia đình cần được theo dõi bằng xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm.
Vấn đề hôn nhân: 2 người đều mắc bệnh đái tháo đường không nên kết hôn.