Điều tra của tờ New York Times cho thấy nhiều hãng thiết bị y tế nước ngoài sử dụng hối lộ hoặc các giao dịch “cửa hậu” thông qua các bên thứ ba để giành được các hợp đồng bán thiết bị cho các bệnh viện công ở Trung Quốc.
- Tìm ra loại nấm tiêu diệt muỗi truyền bệnh sốt rét
- Hai mẹ con sản phụ ung thư giai đoạn cuối quyết giữ con đã gặp nhau
- Thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng: Con đường gian nan
Máy chụp MRI ở một dây chuyền sản xuất của công ty Siemens Healthineers, đơn vị thành viên của Siemens ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Thông qua thẩm định hàng chục vụ án ở các tòa án Trung Quốc, các tài liệu nội bộ của nhiều doanh nghiệp cũng như phỏng vấn với những người nội bộ của các công ty, phóng viên của tờ New York Times nhận thấy tình trạng đưa hối lộ của các hãng thiết bị y tế nước ngoài để giành được các hợp đồng bán thiết bị cho các bệnh viện công ở Trung Quốc đang diễn ra tràn lan.
Chẳng hạn, trong nhiều vụ án, nhân viên của các hãng General Electric (Mỹ), Siemens (Đức) và Philips (Hà Lan) khai nhận đưa hối lộ cho các lãnh đạo bệnh viên công của Trung Quốc để ký được hợp đồng bán hàng.
Trong nhiều vụ án khác, các hãng nước ngoài ký các thỏa thuận với các nhà phân phối thứ ba để họ đưa hối lộ và nhận lại quả trong các thương vụ. Thậm chí, đôi khi các hãng nước ngoài tiếp tục ký các thỏa thuận như vậy đối với các nhà phân phối thứ ba vốn đã bị kết án hối lộ trong các vụ án trước đó.
Trong một vụ vào năm 2016, một lãnh đạo bệnh viện công ở Trung Quốc tên Wu Dagong được hai đại diện bán hàng của General Electric đưa hối lộ hơn một triệu đô la để đồng ý ký hợp đồng mua máy chụp CT (cắt lớp) với giá bốn triệu đô la. Ông Wu cũng nhận hối lộ những xấp tiền nhân dân tệ trị giá khoảng 220.000 đô la trong một vali được một nhà phân phối của General Electric nhét vào cốp xe của ông. Wu Dagong đã bị kết án 15 năm tù về tội nhận hối lộ.
Các hãng như Siemens, General Electric và Philips cũng như các hãng thiết bị y tế nước ngoài khác nói rằng các bệnh viện công ở Trung Quốc buộc họ phải bán qua một loạt nhà phân phối thứ ba. Họ khẳng định họ tuân thủ luật pháp Trung Quốc và quốc tế, chấm dứt hợp đồng với các nhân viên và các nhà phân phối bị phát hiện liên quan trực tiếp đến những hành vi phạm luật.
Tara DiJulio, người phát ngôn của General Electric nói: “Chúng tôi cam kết tính liêm chính, tuân thủ pháp luật và tính thượng tôn pháp luật ở mọi nước mà chúng tôi kinh doanh”.
Tài liệu tại các tòa án Trung Quốc cho thấy nhân viên kinh doanh của nhà phân phối thiết bị y tế của các hãng nước ngoài thường nâng giá bán thiết bị để có nguồn tài chính dùng để hối lộ và lại quả.
Khi Trung Quốc ngày càng giàu có hơn và người dân bắt đầu tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc y tế cao cấp hơn, điều này tạo ra các cơ hội kinh doanh khổng lồ cho các hãng thiết bị y tế phương Tây. Nước này đang mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và đứng trước sức ép phải chăm sóc một lực lượng dân số già ngày càng dễ mắc các căn bệnh mãn tính. Báo cáo của McKinsey cho biết Trung Quốc sẽ chi 1.000 tỉ đô la cho chăm sóc y tế hàng năm bắt đầu từ năm 2020.
Các nhà cung cấp thiết bị y tế nước ngoài như General Electric và Siemens đang chiếm lĩnh thị trường của máy chụp CT, máy chụp MRI (cộng hưởng từ) và những thiết bị y tế khác mà Trung Quốc cần để giúp phát hiện bệnh ung thư và các căn bệnh mãn tính khác. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu hơn 22 tỉ đô la giá trị thiết bị y tế.
“Tham nhũng là một đại dịch trong ngành y tế ở Trung Quốc”, Yanzhong Huang, học giả cao cấp ở Hội đồng quan hệ đối ngoại ở New York, nhận định. Ông cho rằng một trong những nguyên nhân khiến nạn tham nhũng xảy ra tràn lan như vậy là do mức lương của các bác sĩ và lãnh đạo ở các bệnh viện công còn thấp so với các đồng nghiệp trong khu vực tư nhân.
Ông nói nạn tham nhũng khiến bệnh nhân lãnh đủ vì họ sẽ phải trả chi phí cao hơn để các bệnh viện công bù đắp cho chi phí mua thiết bị với giá bị nâng vống lên.
Các cơ quan quản lý ở Trung Quốc đã nỗ lực trong nhiều năm trời để diệt trừ nạn tham nhũng trong ngành y tế. Cách đây năm năm, nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh) nộp phạt gần 500 triệu đô la vì hối lộ cho các bác sĩ và bệnh viện để bán thuốc cho họ.
Năm ngoái, một cuộc điều tra của báo Suddeutsche Zeitung (Đức) cho thấy các nhân viên và đại diện kinh doanh của Siemens bị cáo buộc đưa hối lộ cho các lãnh đạo bệnh viện công ở Trung Quốc trong hơn 10 vụ án gần đây.
Trong khi đó, khi thẩm định các hồ sơ vụ án liên quan đến Siemens, Philips, General Electric và Toshiba, các phóng viên New York Times phát hiện thấy nhiều lớp phân phối trung gian làm việc với các giám đốc bệnh viện công ở Trung Quốc để nâng giá bán lên so với giá thực tế nhằm lấy phần chênh lệch để phục vụ các khoản hối lộ và lại quả.
Tài liệu từ các doanh nghiệp và bệnh viện công của Trung Quốc cho thấy trong một số thương vụ bán hàng của Siemens và General Electric được thực hiện thông qua nhà phân phối thứ ba, có giá bán cao ít nhất 50%, thậm chí gấp đôi so với các thương vụ bán trực tiếp.
“Đặt một nhà phân phối hay một nhà cung cấp ở giữa tạo ta nhiều không gian và cơ hội cho các nhà phân phối và cung cấp này che giấu các quỹ tiền hối lộ hoặc làm giả tài liệu”, Wade Weems, cựu công tố viên chính phủ Mỹ và nay là luật sư của hãng luật Kobre & Kim, nói.
Trong một vụ án vào năm 2016, một bị cáo tên Jin, đại diện bán hàng của Siemens ở Trung Quốc, khai đã chuyển gần 900.000 đô la cho ông Chen Fengkun, một giám đốc bệnh viện nhà nước ở thành phố Khâm Châu, Quảng Tây để giành được hợp đồng bán một máy chụp MRI thương hiệu Siemens. Người đại diện tên này đã nhét các cọc tiền vào cốp xe của Chen Fengkun. Ông Chen sau đó bị kết án 15 năm tù, còn Jin lãnh án ba năm tù.
Các vụ án được đưa tin chi tiết trên tờ báo có tên gọi Pháp chế Vãn báo, trong đó, chỉ ra 19 vụ hối lộ liên quan đến các nhân viên hoặc các nhà phân phối của Siemens từ năm 2014 đến 2015.
Trong một vụ án khác vào năm 2016, Gao Xuezhong, một lãnh đạo ở bệnh viện Nhân dân thị xã Phụ Dương, tỉnh An Huy bị kết án nhận hối lộ từ một đại lý phân phối của Siemens và từ một quản lý bán hàng của Siemens tên An. Các khoản hối lộ này bao gồm tiền mặt và các căn nhà mua cho vợ và con gái của Gao Xuezhong. Trong một thương vụ, Gao và An nâng giá bán máy chụp MRI từ 1,3 triệu đô la lên 1,7 triệu đô la. Họ và các nhà phân phối trung gian chia nhau khoản chênh lệch này. Ông Gao đã bị kết án 11 năm tù.
Stefan Schmidt, người phát ngôn của Siemens Healthineers, đơn vị kinh doanh thiết bị của Siemens, cho biết đã mở cuộc điều tra nhằm vào An nhưng ông ta từ chối hợp tác và nghỉ việc.
Các quy trình đấu thầu ở các bệnh viện thường chỉ là màn kịch. Năm ngoái, một tòa án kết án Xiao Feng, lãnh đạo một bệnh viện công ở Bắc Kinh vì nhận hối lộ 330.000 đô la trong các thương vụ mua thiết bị y tế của Toshiba và Siemens.
Một lãnh đạo khác của bệnh viện này khai nhận bệnh viện đã chọn sẵn nhà thầu từ trước và “việc đấu thầu chỉ là hình thức để hợp pháp hóa quy trình thu mua”. Khai trước tòa, một đại lý bán hàng ủy quyền của Toshiba tên Han nói rằng các nhà thầu thường hợp tác với nhau và đây là quy tắc bất thành văn trong ngành kinh doanh thiết bị y tế ở Trung Quốc.
Nguồn https://infonet.vn/nan-loi-lo-de-ban-thiet-bi-cho-benh-vien-cong-o-trung-quoc-post303146.info