Những biện pháp xử lý cháy nắng ở trẻ em hiệu quả

Khi trẻ tiếp xúc với tia cực tím trong một thời gian dài sẽ dẫn đến những tổn thương vô hình cho da, tình trạng này cần được xử lý ngay lập tức để tránh những rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe của bé.

Cháy nắng là gì?

Cháy nắng là một phản ứng da bị đỏ và đau rát sau khi tiếp xúc với tia cực tím (UV). Tia cực tím có thể gây ra những tổn thương vô hình cho làn da. Nếu bị cháy nắng nhiều lần sẽ khiến da trở nên nhăn nheo và lão hóa sớm. Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư da.

Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cho biết, việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng trước 18 tuổi sẽ gây hại cho da nhiều nhất. Tia UV có xu hướng hoạt động mạnh mẽ nhất trong những ngày hè nóng bức, đặc biệt là vào thời điểm mặt trời chiếu trực tiếp, thường từ 10:00 giờ sáng cho đến 2:00 giờ chiều. Vì vậy, bạn nên hạn chế cho trẻ vui chơi ngoài trời vào những thời điểm nắng gắt.

Các triệu chứng của cháy nắng ở trẻ

Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất của cháy nắng, bao gồm: Đỏ và sưng da; Đau đớn; Phồng rộp da; Da bị khô, ngứa và bong tróc từ 3-8 ngày sau khi bị bỏng nắng;

Một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây ra các triệu chứng như: sốt; buồn nôn; ớn lạnh; yếu ớt, nhầm lẫn hoặc mệt mỏi.

Nếu trẻ bị cháy nắng, tốt nhất bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xử lý cháy nắng cho trẻ

Bác sĩ tư vấn nếu trẻ bị cháy nắng, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau đây để giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Hạn chế tối thiểu việc cho trẻ chơi ngoài trời: Hạn chế tối thiểu việc cho trẻ chơi ngoài trời đặc biệt vào những khung giờ nắng gắt. Việc chơi đùa quá lâu ở ngoài trời nắng cũng có thể khiến trẻ bị say nắng. Nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong. Tham khảo “Cách xử lý say nắng ở trẻ” để có cách xử lý kịp thời nhất.

Sử dụng nước mát: Hãy cho trẻ tắm bằng nước mát hoặc tắm vòi sen để nhanh chóng làm dịu đi vết cháy nắng. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng khăn hoặc vải ẩm để chườm mát cho bé. Hãy thực hiện việc chườm lạnh thường xuyên trong ngày nếu nó đem lại hiệu quả cao.

Sử dụng các sản phẩm có chứa gel lô hội” Gel lô hội thường được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm kem dưỡng da hoặc gel tự nhiên từ lá cây nha đam. Nó giúp nhanh chóng làm dịu nhẹ các vết cháy nắng trên da. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có chứa dầu mỏ vì nó có thể giữ nhiệt bên trong da. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý các sản phẩm có chứa benzocaine hoặc lidocaine (vốn có tác dụng giúp giảm đau do vết cắt và trầy xước) vì chúng có thể gây kích ứng bỏng nắng.Đảm bảo cung cấp đủ nước cho trẻ: Da bị cháy nắng thường khó có thể giữ được chất lỏng bên trong, vì vậy khi trẻ bị cháy nắng sẽ cần phải uống nước nhiều hơn bình thường. Trong ngày, bạn hãy cho trẻ uống nước thường xuyên để tránh tình trạng mất nước nghiêm trọng.

Cân nhắc sử dụng ibuprofen: Thuốc này có tác dụng giúp giảm đau và sưng tấy. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng sử dụng.

Không cậy hoặc nặn các vết phồng rộp: Nếu có các vết phồng rộp hoặc mụn nước, điều đó có nghĩa là vết bỏng nắng đang ở cấp độ hai – mức độ nghiêm trọng hơn. Tốt nhất bạn không nên cậy hoặc nặn nhằm tránh bị nhiễm trùng.

Bảo vệ làn da bị cháy nắng của trẻ: Đối với khu vực có da bị cháy nắng, bạn hãy cho trẻ mặc quần áo mỏng, nhẹ và có khả năng che phủ tốt để cản nắng đến khi vết bỏng nắng lành lại. Ngoài ra, trong thời gian này, bạn nên cho trẻ vui chơi trong nhà thay vì ngoài trời.

Nếu trẻ có dấu hiệu bị chuột rút, sốt, buồn nôn, nôn mửa, ớn lạnh, chóng mặt, mất nước hoặc buồn ngủ không thuyên giảm sau khi bạn đã thực hiện các bước sơ cứu thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức để tránh các rủi ro nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.

Biện pháp phòng ngừa cháy nắng ở trẻ

Theo các giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn làn da của trẻ còn rất mỏng, vì vậy cần được chăm sóc và bảo vệ khỏi tia cực tím có hại từ mặt trời (UV) vào bất cứ thời điểm nào mà trẻ hoạt động ngoài trời. Dưới đây là một số phương pháp giúp bảo vệ trẻ khỏi bị cháy nắng, bao gồm:

Tìm bóng râm: Lựa chọn những khu vực có bóng cây, râm mát cho trẻ vui chơi.

Mặc quần áo chống nắng khi ra ngoài trời: Bạn hãy cho trẻ mặc áo sơ mi dài tay, quần dài khi ra ngoài để bảo vệ bé khỏi tia UV. Ngoài ra, việc đội mũ, đeo kính râm cũng rất cần thiết giúp bảo vệ trẻ khỏi tia UV phòng ngừa nguy cơ phát triển bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ.

Bôi kem chống nắng: Để bảo vệ da tốt nhất, bạn hãy thoa kem chống nắng cho bé trước khi ra ngoài trời khoảng 30 phút. Sử dụng kem chống nắng có ít nhất chỉ số SPF 15 và hãy bôi lại cho bé sau mỗi hai giờ đồng hồ, và sau khi bơi, hoặc đổ mồ hôi. Việc sử dụng kem chống nắng đúng cách là một bước quan trọng đầu tiên để bảo vệ làn da cho trẻ. Các bà mẹ hãy tham khảo những lưu ý khi lựa chọn kem chống nắng cho con để đạt được hiệu quả tốt nhất.