Đột quỵ não là vấn đề nóng hổi của các nước đang phát triển. Đây là tình trạng mất đột ngột lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và khả năng gây tử vong cao.
- Bác sĩ tư vấn những điều bạn cần lưu ý khi bị bệnh mất ngủ
- Thuốc tránh thai khẩn cấp và những tác dụng phụ khôn lường
- Bác sĩ cảnh báo những người tuyệt đối không được ăn rau mùi
Đột quỵ não nguy hiểm như thế nào?
Theo thống kê từ kênh tạp chí sức khỏe, đến nay đột quỵ não (ĐQN) vẫn là một vấn đề thời sự cấp thiết vì số lượng các bệnh nhân ĐQN ngày một tăng, tỷ lệ tử vong cao. Trên thế giới, số người tử vong do ĐQN đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Những người thoát khỏi tử vong, thường để lại các di chứng nặng nề cả về thể xác, tâm thần cũng như là gánh nặng cho gia đình và xã hội… do chi phí điều trị quá lớn, đầu tư thời gian, tiền của cũng như đòi hỏi về kỹ thuật y học cao, khả năng hồi phục thấp khiến người bệnh mất khả năng lao động và còn cần phải có người chăm sóc thường xuyên…
Những dấu hiệu của đột quỵ não là gì?
Các dấu hiệu của đột quỵ não bao gồm: đột ngột tê hay yếu cơ mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể, đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói, đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên, đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác, đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân…
Các bác sĩ đầu ngành Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cảnh báo đột quỵ cần được cấp cứu y tế khẩn cấp. Vì vậy khi phát hiện các dấu hiệu báo động đột quỵ, cần chuyển ngay tới các cơ sở y tế gần nhất sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong hay tàn phế. Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 – 4,5 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong cửa sổ 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao. Tuy nhiên khi đột quỵ xảy ra, việc vận chuyển bệnh nhân cũng cần phải lưu ý đảm bảo an toàn và có ý kiến của các chuyên gia thần kinh. Khi bệnh nhân đến cơ sở y tế, việc cấp cứu điều trị phải được tiến hành khẩn trương đúng quy trình.
Có thể hạn chế nguy cơ đột quỵ não không?
Tuy ĐQN là một bệnh nguy hiểm, nhưng có thể dự phòng được khi chúng ta lưu ý đến việc điều trị dự phòng các yếu tố nguy cơ của ĐQN. Các yếu tố nguy cơ của ĐQN không thể tác động như tuổi, dân tộc, di truyền và những yếu tố nguy cơ có thể tác động được như bệnh tăng huyết áp động mạch, đái tháo đường, các bệnh tim mạch, tăng lipid máu, hút thuốc lá… Bằng cách thay đổi lối sống tĩnh tại, ít vận động sang tập thể dục, vận động thường xuyên làm giảm các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch, giảm tỷ lệ tăng huyết áp, giảm cân nặng chống béo phì, tăng cholesterol có lợi, giảm cholesterol có hại, do đó làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh ĐQN. Đồng thời, cần lưu tâm đến các vấn đề kiểm soát huyết áp, không hút thuốc, kiểm soát đường máu nếu có đái tháo đường, ăn thức ăn có hàm lượng chất béo thấp, hạn chế uống rượu bia…
Một lời khuyên cho tất cả các bệnh nhân bị tăng huyết áp hoặc có nhiều các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như đã nói ở trên phải được khám, theo dõi điều trị thường xuyên tại cơ sở y tế. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ ĐQN cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất tránh suy nghĩ nhầm lẫn cho là cảm mạo, làm kéo dài thời gian quý giá can thiệp điều trị, để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân.
Đột quỵ não được điều trị như thế nào?
Bác sĩ Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn cho biết mục đích của điều trị ĐQN là làm giảm tỷ lệ tử vong và hạn chế tối đa mức độ tàn phế. Để đạt được tiêu chí trên, cần tuân theo các nguyên tắc chung là điều trị cấp cứu và tối ưu hoá tình trạng thần kinh, hạn chế lan rộng tổn thương, bảo đảm tưới máu não, phòng ngừa biến chứng, phục hồi chức năng và phòng ngừa tái phát.
ĐQN có hai thể chính là chảy máu não và nhồi máu não. Điều trị đặc hiệu cho mỗi thể là khác nhau nhưng phác đồ điều trị tổng hợp chung cho cả hai thể của ĐQN giống nhau:
Điều trị tổng hợp nhằm duy trì chức năng sống, chống phù não cho bệnh nhân. Chiến thuật chống phù não tích cực gồm: kê đầu giường cao 25- 30 độ, hạn chế kích thích, hạn chế dịch truyền, tăng thông khí, phẫu thuật giảm chèn ép, dẫn lưu và dùng thuốc…
Ngoài ra, cần chú ý duy trì đường máu hợp lý, lưu thông đường thở cho bệnh nhân có rối loạn chức năng hô hấp, thiếu ôxy vùng tranh tối – tranh sáng càng rõ rệt, cần cho thở ôxy và làm thông thoáng đường thở, hút đờm rãi và chống nhiễm trùng phế quản lập tức, triệt để. Nên tránh cho ăn đường miệng sau đó hoặc để sau 2-3 ngày, phòng viêm phổi do trào ngược, nuôi dưỡng qua đường sonde dạ dày bằng các chất dinh dưỡng lỏng, giúp tăng cường chuyển hoá cơ thể, tránh viêm dạ dày.