Khi đi tiểu nếu thấy nước tiểu không thoát ra mạnh và đi xa mà rơi xuống gần làm ướt mũi chân thì có thể đây là dấu hiệu của bệnh u xơ tuyến tiền liệt.
Cùng giải đáp một số thắc mắc về bệnh u xơ tiền liệt tuyến
Tuyến tiền liệt là tuyến gì?
Tuyến tiền liệt là 1 tuyến ngoại tiết nằm trong cấu trúc giải phẫu tiết niệu – sinh dục nam. được hình thành từ tuần thứ 12 của thai nhi nam, phát triển theo quá trình biệt hóa đến khi trẻ ra đời. Theo nhiều chia sẻ thông tin Y Dược được biết vào tuổi dậy thì, tuyến tiền liệt tiếp tục phát triển và hoạt động giống như một tuyến sinh dục phụ, trọng lượng trung bình của tuyến khoảng 20g. Tuyến tiền liệt cùng với mào tinh hoàn, bóng tinh và túi tinh tiết ra tinh dịch gồm các chất kẽm, axít citric, fructose, phosphorylcholine, spermine, axít amin tự do, prostaglandin, các men phosphatase axít và lactico dehydrogenase để nuôi dưỡng và kích thích sự chuyển động của tinh trùng.
Từ 45 tuổi trở lên, tuyến tiền liệt ngừng tăng trưởng và bắt đầu có xu hướng tăng sản bệnh lý để hình thành u xơ tuyến tiền liệt từ 60 tuổi trở lên. Sự tăng về kích thước tính chất của tuyến làm chèn ép đường tiểu cũng như các cơ quan xung quanh gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngược lại có hiện tượng tuyến tiền liệt ngày càng teo dần với khối lượng thu nhỏ. Tần số u xơ tuyến tiền liệt thường tăng lên theo lứa tuổi, không có mối liên quan giữa sự xuất hiện u xơ tuyến tiền liệt với thành phần giai cấp xã hội, hoàn cảnh gia đình và các nhóm máu.
Triệu chứng phát hiện u xơ tiền liệt tuyến
Chuyên gia Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn nhận định: tùy thuộc mức độ phát triển của u xơ cũng như ảnh hưởng của u xơ lên cơ thể mà chia thành 3 giai đoạn của bệnh với các triệu chứng khác nhau:
- Giai đoạn cơ năng: là giai đoạn chưa có tổn thương thực thể, sự chèn ép chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bệnh nhân thường đi tiểu khó với các biểu hiện như nước tiểu thoát ra chậm, dòng nước tiểu nhỏ và yếu, bị ngắt quãng, đi tiểu xong còn nhỏ giọt, thời gian đi tiểu kéo dài. Đồng thời do sự kích thích của cơ bàng quang phì đại, bệnh nhân có chứng đi tiểu vội, buồn đi tiểu là phải đi tiểu ngay, đi nhiều lần trong ngày và đêm, đặc biệt là về gần sáng.
- Giai đoạn đã có tổn thương thực thể là giai đoạn do nước tiểu ứ kéo dài gây giãn bàng quang và có tình trạng tồn đọng nước tiểu trên 100ml. Trong giai đoạn này, bệnh nhân vẫn đi tiểu khó, đi tiểu nhiều lần với mức độ tăng lên làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Theo bác sĩ tư vấn, vừa đi tiểu xong nhưng bệnh nhân vẫn còn cảm thấy đi tiểu không hết và một lúc sau lại phải đi tiểu thêm. Những hiện tượng này làm cho bệnh nhân lo lắng, đặc biệt sự ứ đọng nước tiểu thường kèm theo các dấu hiệu nhiễm khuẩn với các biểu hiện đi tiểu buốt, nước tiểu đục.
- Giai đoạn đã có tổn thương thực thể nặng là giai đoạn ảnh hưởng đến chức năng thận và sự thích ứng của cơ thể đã bị giảm sút, đây là giai đoạn không bù trừ. Trong giai đoạn này, cơ thành bàng quang mỏng, mất tính trương lực, sự ứ đọng nước tiểu tăng kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn. Các triệu chứng đi tiểu khó tăng đến mức bệnh nhân phải đi tiểu nhiều lần, có khi dẫn đến tình trạng nghịch lý là đi tiểu liên tục do nước tiểu tràn đầy bàng quang giãn căng. Lúc đó, các triệu chứng toàn thân xuất hiện rầm rộ như thiếu máu, buồn nôn, ăn kém, buồn ngủ, mệt mỏi, phù, tăng huyết áp…; đây là những biểu hiện suy thận do tắc đường tiết niệu.
Triệu chứng phát hiện u xơ tiền liệt tuyến
Thực tế quá trình diễn biến bệnh lý theo 3 giai đoạn được mô tả ở trên không phải khi nào cũng xuất hiện đầy đủ. Tuy nhiên, dù ở bất cứ giai đoạn nào, sự bí tiểu hoàn toàn vẫn có thể xảy ra và đặt bệnh nhân trong tình trạng phải xử trí can thiệp cấp cứu ( bí tiểu hoàn toàn làm cho bàng quang đầy nước tiểu căng tức, bệnh nhân không đi tiểu được, bụng dưới đau quặn cần được thông tiểu giải phóng). Ngoài ra còn có biến chứng túi thừa bàng quang, sỏi bàng quang, đi tiểu ra máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận do viêm thận bể thận.
Nguồn: tapchisuckhoe.edu.vn