Tìm hiểu về bệnh uốn ván

Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng  nhiễm độc do vi khuẩn Clostridium tetani gây ra qua các vết thương với bệnh cảnh chủ yếu là co cứng, thi thoảng co giật và có thể dẫn đến tử vong.

Tìm hiểu về bệnh uốn ván

Tìm hiểu về bệnh uốn ván

Dưới đây là thông tin liên quan đến bệnh uốn ván.

Cách vi khuẩn uốn ván gây bệnh

Uốn ván là một bệnh do trực khuẩn Clostridium tetani gây ra. Clostridium có hai dạng là dạng vi khuẩn hoạt động, thường xuyên nhân lên trong điều kiện kỵ khí tiết ra các ngoại độc tố gây bệnh. Dạng thứ hai là dạng nha bào. Khi gặp điều kiện không thuận lợi, vi khuẩn dạng hoạt động sẽ chuyển thành dạng nha bào có vỏ bọc dày, có thể tồn tại nhiều năm trong đất, bụi, phân người và động vật, chịu được nhiêt, có sức đề kháng cao với ngoại cảnh và các chất sát trùng thông thường. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể ở dạng nha bào qua các vết thương. Các vết thương có thể nhỏ như gai đâm, xước da, ngoáy tai, xỉa răng…cho đến những vết thương lớn, nhiều ngóc ngách như vết thương do tai nạn, gãy xương, bỏng sâu…thậm chí sau đẻ, nạo thai, cắt rốn với dụng cụ bị nhiễm bẩn.Khi vết thương kín và nhiễm vi khuẩn khác tạo ra môi trường yếm khí, nha bào phá vỡ vỏ chuyển sang dạng hoạt động và tiết ra ngoại độc tố. Ngoại độc tố này gây độc và hướng thần kinh gây nên các triệu chứng lâm sàng đặc trưng của bệnh uốn ván. Ngoài ra, các độc tố còn gây ảnh hưởng nên màng tế bào, độc với tim, gây tan máu và hoại tử. Bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa tiêm vacxin hoặc miễn dịch yếu đều có nguy cơ mắc bệnh.

Triệu chứng của bệnh

Bác sĩ tư vấn: Sau khi nhiễm phải nha bào uốn ván, bệnh sẽ ủ trong 6-12 ngày. Thời điểm này, bệnh không có triệu chứng lâm sàng mà chủ yếu là triệu chứng của vết thương. Thời gian ủ bệnh càng ngắn bệnh càng nặng. Triệu chứng đầu tiên và cũng là triệu chứng phát hiện bệnh là cứng hàm làm người bệnh đau ở hai bên quai hàm, khó há miệng, khó nhai. Khi cơ hàm càng cứng, hàm răng càng khít chặt. Thậm chí người bệnh không há được miệng. Do hiện tượng co cứng toàn bộ cơ mặt làm khuôn mặt bị biến dạng. Đến giai đoạn toàn phát, người bệnh bị co cứng hầu hết các cơ tạo tư thế uốn ván. Nếu người bệnh bị co cứng các cơ hô hấp sẽ có biểu hiện suy hô hấp. Trên nền co cứng, bệnh nhân có các cơn co giật toàn thân xuất hiện tự nhiên hay khi có các kích thích như tiếng động, ánh sáng, tiêm thuốc…và có thể xuất hiện cơn co thắt thanh quản gây ngạt thở. Tuy nhiên trong cơn co giật, người bệnh vẫn tỉnh táo hoàn toàn.

Triệu chứng của bệnh

Triệu chứng của bệnh

Trong trường hợp người bệnh tiêm phòng uốn ván đã lâu hoặc tiêm phòng  không đầy đủ, bệnh nhân có thể chỉ có triệu chứng uốn ván nhẹ với biểu hiện cứng hàm đơn thuần, không có cơn co giật và người bệnh nhanh khỏi. Với trẻ sơ sinh, nếu cắt rốn bằng dụng cụ không đảm bảo vô trùng hoặc đẻ rơi, uốn ván sơ sinh có thể xảy ra. Trẻ có biểu hiện bỏ bú, mắt nhắm, co giật liên tục, ướt rốn, rốn rụng sớm. Khi này bệnh tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong.

Cách phòng bệnh

Bệnh uốn ván thường có tiên lượng xấu và khó tiên lượng. Kể cả khi khỏi bệnh vẫn để lại những di chứng nặng nề. Tiêm vacxin là phương pháp hữu hiệu để phòng uốn ván. Khi có vết thương, cần cắt lọc, rửa sạch, để hở vết thương mà không băng kín. Nếu đã tiêm phòng vacxin trong 3 năm thì có thể tiêm nhắc lại một mũi. Trong trường hợp chưa từng tiêm vacxin hoăc tiêm quá 3 năm cần tiêm đủ 3 mũi. Đối với phụ nữ có thai cần tiêm vacxin uốn ván trong 3 tháng cuối để mẹ có miễn dịch truyền cho con và cần tiêm giải độc tố nhắc lại cho trẻ sơ sinh.

Nguồn tapchisuckhoe.edu.vn