Quýt được trồng để làm cảnh hoặc lấy quả, đặc biệt là những dịp tết đến, quýt hay được trưng bày để làm cảnh, quả được dùng làm nước giải khát, ngoài ra vỏ quýt còn được dùng để làm thuốc, giải biểu.
- Tác dụng của tinh dầu bạc hà đối với sức khỏe
- Điều trị hiệu quả bệnh trĩ nhờ 4 bài thuốc Nam an toàn và hiệu quả
- Bài thuốc Đông Y điều trị tiêu chảy ngày nắng nóng
Tên khoa học: Citrus sp., Họ Cam – Rutaceae
Tên khác: quýt, trần bì, hoàng quýt, thanh bì…
Đặc điểm thực vật và phân bố cây quýt
Phân loại: Quýt có nhiều loài. Trong nông nghiệp và thương mại người ta phân thành 4 nhóm theo cách sắp xếp của S. Wingle:
- Nhóm quýt thông thường, có nguồn gốc Philipin: C. reticulata Blanco, cây có gai nhỏ, quả mọng hình cầu, đáy lõm, vỏ quả xốp khi chín có màu vàng cam hoặc đỏ tươi, loài này phát triển tốt ở vùng nhiệt đới.
- Nhóm quýt sanh, hay quýt “King”: C. nobilis Loureiro, có nguồn gốc ở Đông Dương, quả to, vỏ dày.
- Nhóm quýt “Satsuma”: C. unshiu Marcovitch, có nguồn gốc Nhật Bản. Cây hầu như không có gai, quả cỡ trung bình, khi chín có màu vàng da cam, không có hạt.
- Nhóm quýt Địa Trung Hải: C.deliciosa Tenore, có nguồn gốc Italia, lá có dạng hình mác, quả cỡ trung bình, nhiều hạt.
Đặc điểm thực vật: quýt là cây nhỏ, lá mọc so le, đơn, mép có răng cưa, vỏ có mùi thơm. Hoa nhỏ, màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả hình cầu hai đầu dẹt, màu vàng cam hay vàng đỏ, vỏ mỏng nhẵn hay sần sùi, dễ bóc. Mùi thơm, nhiều hạt.
Phân bố: Quýt được trồng ở khắp nơi ở nước ta, đặc biệt tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Nam Định, Hà Nam, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh v.v… Tại Trung Quốc, ngoài cây cùng loài với quýt của ta, còn một số loài quýt khác và cũng cho vị trần bì và quất hạch như cây đại hồng am (Citrus chachiensis hay Citrus nobilis var. chachiensis Wong), cây phúc quyết (Citrus tangeriana Hort et Tanaka hay Citrus reticulata var. deliciosa H. H. Hu) và cây châu quyết (Citrus erythrosa Tanaka hay Citrus reticulata Blanco var. erythrosa H. H. Hu). Ở Việt Nam, ngoài quýt ngọt, còn dùng nhiều vỏ loại cây quýt khác chưa ai xác định tên khoa học, như quýt giấy, quýt tàu, quýt nuốm v.v … để làm thuốc
Trồng trọt và thu hái của cây quýt
Quýt được trồng bằng phương pháp ghép mắt hoặc chiết cành. Sản lượng hàng năm trên thế giới khoảng 8 triệu tấn. Đứng đầu là Nhật Bản (48%), Tây Ban Nha (16%). Thái Lan hàn năm sản xuất 561.000 tấn.
Sản lượng quýt ở các nước Đông Nam Á là 5 tấn quả/ha. Các nơi khác trên thế giới là 25 tấn/ha, có khi đạt đến 50 tấn/ha. Ở VN, một số quýt được trồng phổ biến: Lý Nhân (Hà Nam), quýt Bố Hạ (Bắc Giang), quýt Hương Cần (Huế), quýt đường và quýt Xiêm (phía Nam).
Bộ phận dùng làm thuốc bắc nam của cây quýt
– Vỏ quả phơi khô gọi là Trần bì – Pericarpium citri deliciosae.
– Tinh dầu vỏ quả – Oleum Mandarinae
– Hạt và quả
Thành phần hoá học của cây quýt
Trong phần ăn được quả quýt có chứa nước 90%, protein 0,6%, lipid 0,4%, đườg 8,6%, vitaminC 0,42%.
Tinh dầu vỏ quýt là chất lỏng màu vàng đỏ có huỳnh quang xanh nhẹ. Huỳnh quang sẽ xuất hiện rõ ràng nếu pha loãng tinh dầu trong alcol.
Thành phần chính tinh dầu vỏ quýt là limonen (>90%), methylanthranilat (1%).
Công dụng của cây quýt
Trần bì là vị thuốc thường dùng trong Y học cổ truyền có vị cay, đắng tính ôn, quy vào kinh tỳ và kinh phế, có tác dụng kiện tỳ, lý khí, táo thấp, hóa đờm, hành khí hoà vị, dùng trong trường hợp đau bụng do lạnh, chữa ho, trừ đờm, viêm phế quản mạn tính, ăn không tiêu, ăn không ngon, nôn mửa, sốt rét… ngày dùng 4-12g.
Hạt quýt dùng chữa đau ruột non, đau tinh hoàn, thoát vị bẹn.
Quả: dùng để làm gia vị, nước giải khát, bổ sung vitamin C…
Tinh dầu vỏ quýt được dùng trong kỹ nghệ thực phẩm và kỹ nghệ hương liệu.
Lá quýt hơ nóng đắp chữa đau bụng, ho, sưng vú. Có khi phơi khô sắc uống như vỏ quýt. Ngày dùng 6-12g.
Những thông tin trên không thể thay thế hoàn toàn lời khuyên của thầy thuốc. Bạn nên tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn để sử dụng vị thuốc này một cách phù hợp.
Nguồn: tapchisuckhoe.edu.vn