Lá lốt vốn được biết đến là loại rau gia vị được nhiều người yêu thích, ngoài ra lá lốt là một vị thuốc Nam quý có nhiều công dụng trong điều trị bệnh xương khớp, ra nhiều mồ hôi tay, chân,…
- Y học cổ truyền nâng tầm hoa hồng lên vị thuốc chữa bệnh
- Điều trị hiệu quả bệnh cảm sốt trong mùa lạnh từ vị thuốc Nam cúc tần
- Kinh giới là cây thuốc quý sẵn có trong vườn nhà bạn
Tìm hiểu về công dụng, thành phần của lá lốt
Cây lá lốt có tên khoa học: Piper lolot C. DC thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae) là một loại cây thảo sống dai hay mọc nơi ẩm ướt ở trung du, miền núi có chiều cao 30 – 40cm, mọc thẳng khi còn non, khi lớn lên có thân dài không thể mọc thẳng mà trườn trên mặt đất. Theo Đông y, lá lốt vị nồng, hơi cay, tính ấm, công dụng ôn trung (làm ấm bụng); tán hàn (trừ lạnh); hạ khí (đưa khí đi xuống), yêu cước thống (đau lưng, đau chân), chỉ thống (giúp giảm đau), tỵ uyên (mũi chảy nước tanh thối kéo dài), đầy hơi, khó tiêu, trị nôn mửa…
Một số bài thuốc Nam thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc kết hợp với một số vị thuốc khác như lá xương sông, rễ bưởi bung, rễ cỏ xước,… sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân dùng để chữa các chứng đau vùng ngực và bụng do lạnh, nhức đau xương khớp, chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân, đau đầu, đau răng, mụn nhọt,…
Lá lốt có công dụng tốt trong điều trị bệnh xương khớp
Tác dụng của cây lá lốt trong điều trị bệnh
- Chữa đau nhức xương khớp khi trời lạnh
Lấy khoảng 5-10g lá lốt phơi khô hoặc 15-30g lá tươi, sắc 2 bát nước còn ½ bát, uống trong ngày. Uống tốt nhất khi thuốc còn ấm, nên uống sau bữa ăn tối. Mỗi liệu trình nên điều trị 10 ngày.
- Trị chứng ra nhiều mồ hôi ở tay chân
Cho vào 1 lít nước đun sôi 30g lá lốt tươi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm và dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục đều đặn trong 5-7 ngày.
- Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay
Lấy 30g lá lốt tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống trong ngày. Còn bã cho vào nồi đun cùng với 3 bát nước, đun sôi khoảng 5 phút rồi vớt bã ra để riêng. Nước dùng để rửa chỗ có tổ đỉa, sau đó lau khô lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm từ 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày.
- Chữa mụn nhọt vỡ mủ lâu ngày không liền miệng
Các Bác sĩ chuyên khoa Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tư vấn sử dụng lá lốt, lá chanh, lá ráy, tía tô, mỗi vị lấy 15g. Cách làm: Trước tiên lấy lớp vỏ bên trong của cây chanh (bỏ vỏ ngoài) phơi khô, giã nhỏ, rây bột mịn rắc vào vết thương, sau đó các dược liệu nêu trên rửa sạch, giã nhỏ đắp vào nơi có mụn nhọt rồi băng lại. Ngày cần đắp 1 lần. Đắp trong 3 ngày.
- Viêm nhiễm âm đạo, ngứa, ra nhiều khí hư
Lấy 50g lá lốt, 40 g nghệ, 20g phèn chua, đổ nước ngập thuốc khoảng hai đốt ngón tay, đun sôi thì bớt lửa sôi liu riu từ khoảng 10 – 15 phút rồi chắt một bát nước, để lắng trong, dùng rửa âm đạo. Số thuốc còn lại đun sôi để xông vào âm đạo, rất hiệu nghiệm.
- Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần
Lá lốt 20g, củ riềng 10g, sắc 2 thứ cùng nhau lấy nước đặc cho trẻ uống 2 – 3 lần liền. Mỗi lần cách nhau khoảng 60 phút.
- Đau bụng do lạnh
Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun cùng với 300ml nước còn 100ml. Nên uống trong ngày khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục đều trong 2 ngày.
- Đầu gối sưng đau
Lá lốt và ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau.
- Chữa phù thũng do thận
Lá lốt 20g, cà gai leo, rễ mỏ quạ, rễ tầm gai, lá đa lông, mã đề mỗi vị lấy 10g. Sắc cùng với 500ml nước còn 150ml, uống trong ngày. Uống sau bữa trưa khi thuốc còn ấm. Dùng từ 3-5 ngày.
- Giải cảm thương hàn
Lấy 20 lá lốt già (thái sợi), một nắm gạo vo sạch, nửa củ hành tây (hoặc hành tím), 1 tép tỏi, 5 nhánh hành hương nhỏ, 2gr gừng thái lát mỏng và gia vị nêm. Nấu sôi cùng với 150ml nước, sau 15 phút nhấc xuống, bỏ vào 1 quả trứng gà, khuấy đều. Ăn xong, lau mồ hôi sẽ nhanh khỏe.
- Viêm tinh hoàn
Tinh hoàn bị sưng to, người mệt mỏi, không chịu chơi, ít vận động, hay nằm: lá lốt 12g, lệ chi 12g, bạch truật 12g, trần bì 10g, bạch linh 10g, sinh khương 21g, sơn thù 6g, phòng sâm 6g, hoàng kỳ 5g, cam thảo (chích) 4g. Đổ khoảng 600ml nước, sắc còn 200ml, chia nhiều lần cho trẻ uống trong ngày.
Đỗ Lợi – tapchisuckhoe.edu.vn