Bác sĩ chia sẻ tất tần tật các thông tin về bệnh mắt hột

Bệnh mắt hột (BMH) là một viêm kết giác mạc đặc hiệu, lây lan, tiến triển mạn tính ở người, gây ra do tác nhân Chlamydia Trachomatis. Tổn thương đặc trưng ở kết giác mạc bởi: hột mắt hột, tăng sản nhú gai, màng máu, cuối cùng là sẹo hoá kết giác mạc, gây lông quặm, lông siêu và dẫn đến mù loà.

Các tổn thương cơ bản gặp trong bệnh mắt hột

  • Thẩm lậu: là phản ứng viêm mãn tính gây ra do tế bào limphô, plasmo… làm cho kết mạc phù dầy, đục, che lấp hệ mạch ở dưới, khi thẩm lậu ở rìa giác mạc làm cho giác mạc phù lớp nông và đục thường ở rìa trên.
  • Hột: là những tổ chức hình tròn, hơi nổi lên trên bề mặt kết mạc, hay ở rìa giác mạc, màu trắng xám, mạch máu vây quanh và bò lên trên mặt hột. Thực chất là phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh, tạo nên do tụ tập tế bào lymphô, ở giữa là một trung tâm sinh sản tích cực, bao quanh là tế bào plasmo….
  • Nhú gai: là những khối có hình đa giác, màu hồng, có 1 trục mạch máu ở giữa, toả ra các mao mạch ở xung quanh. Thực chất là sự rãn mạch, tăng sinh các mao mạch và thâm nhiễm các tế bào viêm.
  • Sẹo: điển hình ở kết mạc sụn mi trên, là những dải sơ trắng hình  sao, có nhánh hình thành  dạng lưới. Đây là tổn thương chứng tỏ BMH đã tiến triển lâu.