Bác sĩ tư vấn những nguyên nhân có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim đập bất thường, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây ra cảm giác hồi hộp, đau tức ngực, khó thở… và là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử nếu không phát hiện sớm. Vậy nguyên nhân gây nên bệnh lý này là gì?

Tuổi tác càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng lớn

Tìm hiểu về bệnh rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim xảy ra khi các xung động để tạo nhịp tim của bạn không hoạt động bình thường, khiến tim bạn đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều.

Rối loạn nhịp tim (arrhythmia) có thể gây ra một vài triệu chứng như cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, đánh trống ngực hoặc không thấy có triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên, một số rối loạn nhịp tim có thể gây khó chịu, thậm chí đe dọa đến tính mạng của bạn.

Theo chia sẻ từ kênh tạp chí sức khỏe, điều trị rối loạn nhịp tim có thể giúp kiểm soát hoặc loại bỏ tình trạng nhịp tim nhanh, chậm hoặc không đều. Ngoài ra, bạn nên áp dụng lối sống lành mạnh cho tim để giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Các triệu chứng của rối loạn nhịp tim như thế nào?

Chứng loạn nhịp tim có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Tuy nhiên, bạn cần chú ý nếu xảy ra các triệu chứng dưới đây:

  • Hay hồi hộp, đánh trống ngực
  • Nhịp tim quá nhanh hay quá chậm
  • Đau tức vùng ngực
  • Khó thở nhiều mức độ khác nhau
  • Chóng mặt
  • Đổ mồ hôi
  • Ngất xỉu hoặc suýt ngất

Khi gặp phải những dấu hiệu trên, bạn nên khám chuyên khoa về tim mạch để theo dõi tình trạng nhịp tim.

Những nguyên nhân nào có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim?

Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng Sài Gòn cho biết những nguyên nhân có thể gây nên tình trạng bệnh rối loạn nhịp tim như sau:

Yếu tố tâm lý gây tăng nhịp tim

Căng thẳng quá mức, xúc động mạnh, lo lắng, sợ hãi sẽ kích thích cơ thể gia tăng giải phóng hormon adrenallin khiến tim đập nhanh, mạnh; gây đánh trống ngực, hồi hộp khi bạn rơi vào những tình huống trên.

Bệnh tim gây rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có thể có căn nguyên từ rất nhiều bệnh lý tim mạch như:

– Bệnh mạch vành: làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng cho tim, khiến cho các mô cơ tim và hệ thống dẫn truyền điện không nhận đủ dinh dưỡng cần thiết để hoạt động đúng.

Nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim với di chứng để lại là các vết sẹo trong tim, làm cản trở con đường dẫn truyền của tim gây ra rối loạn nhịp.

– Bệnh cơ tim: bao gồm bệnh cơ tim giãn và bệnh cơ tim phì đại. Ở cả 2 trường hợp này, cơ tim đều bị biến dạng và không thể đáp ứng đúng theo sự chỉ huy của hệ thống dẫn truyền điện tim, gây ra các rối loạn nhịp.

–  Bệnh van tim: Van tim bị hở, hẹp lâu ngày không được điều trị tốt có thể dẫn tới giãn hoặc phì đại cơ tim, gây ra rối loạn nhịp tương tự như trong bệnh cơ tim.

– Tăng huyết áp: huyết áp cao khiến cho tim phải tăng co bóp để thắng được sức cản lòng mạch. Tình trạng này kéo dài có thể khiến cấu trúc tim bị thay đổi, phát triển các rối loạn nhịp nguy hiểm như rung nhĩ (50%).

Thuốc hoặc chất kích thích

Một số thuốc chữa hen suyễn, thuốc trị cảm cúm; chất kích thích như thuốc lá, nước ngọt có ga, cà phê, trà, rượu bia… có thể gây tăng nhịp tim.

Rối loạn nhịp tim do di truyền

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có thể do sự xuất hiện đường truyền phụ trong tim như trong Hội chứng wolff-parkinson-white, hoặc khiếm khuyết các kênh ion có nhiệm vụ kiểm soát điện thế trên màng tế bào, tham gia vào quá trình dẫn truyền điện tim.

Ngoài ra, một số bệnh lý khác cũng có thể gây ra rối loạn nhịp tim như rối loạn thần kinh tim, cường giáp, tiểu đường, thiếu máu, rối loạn điện giải do sốt, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, nhiễm độc… Và đôi khi, rối loạn nhịp tim xảy ra nhưng không thể xác định được chính xác nguyên nhân.

Những biến chứng nguy hiểm của rối loạn nhịp tim

Các bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cảnh báo những biến chứng nguy hiểm mà bạn có thể gặp phải trong các trường rối loạn nhịp tim nặng và kéo dài đó là: huyết khối, suy tim, ngừng tim đột ngột, nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

Suy tim

Khi hiệu quả bơm máu bị giảm sút, tim của bạn sẽ phải cố gắng làm việc nhiều hơn bình thường để cung cấp đủ máu ra tuần hoàn đi nuôi cơ thể. Sự gắng sức kéo dài lâu ngày có thể làm trái tim suy yếu và cuối cùng dẫn đến suy tim.

Đột quỵ

Khi tim của bạn đập quá nhanh hoặc quá chậm, hiệu suất bơm máu của tim sẽ bị giảm sút. Khi đó, máu sẽ bị ứ đọng lại tại các buồng tim và hình thành nên các cục máu đông. Những cục máu đông này có thể bị vỡ ra và di chuyển theo dòng máu đến các động mạch não, làm tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch và gây ra đột quỵ. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề do não bị tổn thương.