Dược sĩ tư vấn cách dùng thuốc an toàn cho người cao tuổi

Khi sử dụng thuốc, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, luôn cần có chế độ dùng thuốc riêng, đặc biệt là người cao tuổi. Vậy khi dùng thuốc cho người cao tuổi cần chú ý những gì?

Người cao tuổi thường phải dùng nhiều thuốc hơn những người trẻ tuổi
Người cao tuổi thường phải dùng nhiều thuốc hơn những người trẻ tuổi

Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai là những đối tượng đặc biệt cần được có chế độ dùng thuốc riêng. Đặc biệt, những người cao tuổi có thể mắc nhiều bệnh cùng lúc. Do vậy, chúng ta cần phải chú ý khi dùng thuốc. Dùng thuốc cho người cao tuổi như thế nào an toàn, hãy cùng Dược sĩ tư vấn cụ thể qua bài viết sau:

Những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ ADR ở người cao tuổi khi dùng thuốc

Những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ ADR ở người cao tuổi khi dùng thuốc có thể kể đến như:

  • Những người cao tuổi thường hay đau ốm, không những mắc một mà là cùng một lúc có thể mắc nhiều bệnh, do vậy những bệnh nhân này thường phải dùng nhiều thuốc hơn những người trẻ tuổi. Những nghiên cứu ở các nước tiên tiến trên thế giới cho thấy người trên 65 tuổi hàng ngày được kê đơn dùng trung bình 5 – 6 thuốc, và vì vậy dễ bị tương tác thuốc dẫn đến ADR.
  • Những người cao tuổi có thể đi khám ở hai phòng khám trong thời gian rất ngắn và bác sĩ thứ hai không biết bác sĩ trước đã chỉ định dùng những thuốc gì để khuyên ngưng dùng tránh tương tác với thuốc mới.
  • Do những người này mắc nhiều bệnh cùng lúc, không chỉ bệnh cấp tính mà còn nhiều bệnh mạn tính mà các bệnh này nhiều khi lại đòi hỏi sử dụng nhiều loại thuốc có tác dụng mạnh, khoảng cách an toàn trong điều trị hẹp, dễ gây ADR.
  • Những người cao tuổi quá lo lắng về sức khỏe của mình và luôn muốn mau hết bệnh nên thường dùng thêm thuốc ngoài thuốc đã được chỉ định hoặc có người không đau ốm gì vẫn dùng thuốc gọi là để “đề phòng”. Thậm chí không tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, hoặc tăng liều thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc, đưa đến bị quá liều gây ngộ độc.
  • Ngược lại, có những người cao tuổi lại sợ dùng thuốc do nghĩ là thuốc luôn gây hại. Có người tự ý giảm liều, có người giảm số lần dùng thuốc trong ngày (như thay vì uống 3 – 4 lần thì chỉ uống 1 – 2 lần/ngày), có người ngưng bỏ thuốc giữa chừng. Như đột ngột ngưng dùng thuốc hạ huyết áp có thể làm huyết áp tăng vọt rất nguy hiểm.
  • Ở những người lớn tuổi do trí tuệ giảm sút, thường hay nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, đặc biệt về liều lượng và số lần dùng thuốc, có thể họ quên dùng thuốc. Trong trường hợp này, tốt nhất cần có người thân trẻ tuổi theo dõi sát việc dùng thuốc, không để người cao tuổi tự mình dùng thuốc.
  • Do quá trình tích tuổi ảnh hưởng đến dược động học của thuốc (tức là ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ của thuốc) cũng như ảnh hưởng đến tính chất dược lực học của thuốc đối với cơ thể, đưa đến những phản ứng rất bất ngờ và không có lợi.

Làm thế nào để dùng thuốc ở người cao tuổi hiệu quả và an toàn

Hãy cùng theo dõi chia sẻ của các bác sĩ – giảng viên tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn về phương pháp dùng thuốc ở người cao tuổi hiệu quả và an toàn, cụ thể như sau:

  • Các bác sĩ điều trị cần phải khai thác tiền sử dùng thuốc ở bệnh nhân người cao tuổi khi khám bệnh (nên hỏi kỹ họ đã dùng thuốc gì, kể cả có dùng dược thảo, thực phẩm chức năng hay không).
  • Các bác sĩ chỉ nên chỉ định dùng thuốc khi thật cần thiết và sau khi chẩn đoán chính xác.
  • Những bệnh nhân cao tuổi nên bắt đầu bằng liều dùng thấp nhất có hiệu lực, và nên kéo dài nhịp dùng thuốc trong ngày thích hợp (như đối với người trẻ tuổi dùng 3 lần/ngày thì đối với người cao tuổi có thể dùng 2 lần/ngày).
  • Khi kê đơn cho bệnh nhân, các bác sĩ lưu ý các điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ dùng thuốc (chọn dạng thuốc thích hợp là thuốc lỏng nếu có như dung dịch uống, hay thuốc dùng ít lần trong ngày là thuốc dạng phóng thích thuốc kéo dài uống 1 lần/ngày…).
  • Các bác sĩ, dược sĩ cần phải hướng dẫn kỹ các chỉ dẫn dùng thuốc một cách rõ ràng và bảo đảm sự tuân thủ điều trị bằng lời lẽ thiện cảm thuyết phục cũng như dành thời gian lắng nghe tâm tư của người cao tuổi.
  • Theo dõi sát trong thời gian dài sự đáp ứng đối với tác dụng của thuốc ở người cao tuổi. Không thể suy diễn kinh nghiệm dùng thuốc ở người trẻ tuổi cho người cao tuổi. Ngưng dùng thuốc nếu lợi ích không rõ hoặc bị ADR.
  • Khi các bác sĩ muốn dùng thuốc mới thì phải thật thận trọng.
Cần lưu ý các nhóm thuốc không nên dùng cho người cao tuổi
Cần lưu ý các nhóm thuốc không nên dùng cho người cao tuổi

Lưu ý các nhóm thuốc không nên dùng cho người cao tuổi:

  • Không nên dùng các dạng thuốc sủi bọt đối với người bị bệnh tăng huyết áp, suy tim (dạng thuốc sủi bọt luôn chứa natri sẽ làm tăng huyết áp).
  • Không dùng thuốc chẹn bêta đối với người bị hen suyễn, COPD, đái tháo đường (chẹn bêta che mất triệu chứng tụt đường huyết ở người đang dùng thuốc trị đái tháo đường), bệnh lý mạch máu ngoại biên (peripheral vascular disease).
  • Không dùng thuốc kháng histamin, thuốc chống co thắt, thuốc chống trầm cảm đối với người bị phì đại lành tính tuyến tiền liệt hay bị táo bón (vì thuốc làm bí tiểu tiện hay táo bón nặng thêm).
  • Không thuốc glucocorticoid đối với người bị đái tháo đường (vì glucocorticoid làm tăng đường huyết).