tam-su-ve-mot-dem-truc-dai-vo-cung-dang-nho

Tâm sự về một đêm trực dài vô cùng đáng nhớ

16 giờ chiều :

– Bác có tin định mệnh không?

– Tại sao em hỏi vậy?

– Hồi nãy, có bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, tử vong. Chỉ mới 18 tuổi, đẹp gái lắm Bác.

– Bác thì không tin định mệnh. Cái chết nhiều khi cũng lộng lẫy như một thiên thần mới chào đời. Chỉ khác là ta nhìn nó như thế nào thôi.

– Trời ơi, Bác nói gì khó hiểu quá.

– Ừm, hihi, nếu cuộc sống này là một sự sắp đặt thì còn gì là ý nghĩa nhỉ? Ta giống như người máy được lặp trình. Bất ngờ nào cũng mang thú vị mà.

Tâm sự về một đêm trực dài vô cùng đáng nhớ

20 giờ 30 phút :

Một người mẹ tiều tụy đẩy đứa con trai khoảng 40 tuổi vào phòng cấp cứu.

– Nó uống thuốc ngủ tự tử.

30 phút xúc ruột trôi qua. 3 giờ đồng hồ chờ đợi trong mỏi mòn của người mẹ. Cuối cùng bệnh nhân cũng thoát chết. Điều đầu tiên tôi nghe được :- Cứu tôi làm gì? Sao không để tôi chết đi.

Chị y tá nói thầm vào tai tôi :- Biết vậy cho nó chết luôn cho rồi. Thứ này cứu làm gì.Tôi mỉm cười. Không biết tự bao giờ tôi mất thói quen chỉ trích hay bực mình với bệnh nhân. Tôi luôn dặn mình, gắng cười, dù gượng cho mỗi sự kiện trôi qua.- Điều gì làm anh muốn chết?

– Tôi đã mất tất cả. Công ty thì phá sản. Tôi thì chẳng còn danh tính. Tối qua người mà tôi yêu nhất cũng đã bỏ tôi đi … Chẳng còn gì đáng sống nữa.

– Không. Anh còn một kho báu

– Bác sỹ đừng nói đó là kinh nghiệm.

Rõ ràng là bệnh nhân mà tôi vừa điều trị không đơn giản. Tôi mỉm cười, lắc đầu, chỉ tay về phía cửa sổ lờ mờ trong đêm một bóng dáng.- Chẳng phải mẹ là một kho báu đó sao?

– Ơ …

– Mẹ gần gũi quá đến nỗi ta chẳng nhận ra rằng ta còn mẹ.

– Bác sỹ … Bệnh nhân bắt đầu nấc lên. Tôi không hiểu hết giọt nước mắt. Nhưng đối với tôi, ai còn khóc được, người đó còn đáng sống. Có lẽ tình yêu mẹ thầm lặng nên ta chưa bao giờ cảm nhận rằng mẹ là kho báu qúy giá nhất trên đời.- Trải qua bao thăm trầm dâu bể của cuộc sống này, khi mà ta đã mỏi mệt, nơi mà ta muốn về nhất là mái nhà, người mà ta mong gặp nhất đó là mẹ. Hãy trở về đi, mẹ anh đang đợi ngoài cửa cấp cứu….

00 giờ …

– Bác, có case chấn thương sọ não.

Bệnh nhân nằm đó mê man, máu chảy ra từ mũi, từ lỗ tai, từ mắt. Vết rách da đầu kéo dài từ trán. Chuẩn bị hồi sức tích cực. Người đàn ông chở bệnh nhân vào viện khai : Chúng tôi uống một ít à, rồi cùng chạy về. Mỗi người một xe. Thì đột ngột một chiếc xe ngược chiều đâm vào, bạn tôi té xuống và …

Và … cái chết đang được đếm lùi từng giây. Xuất huyết não.Đôi khi tôi vẫn tự hỏi : rượu bia có ma lực gì, mà hấp dẫn người ta đến thế? Nhưng ngay như Thượng Đế còn tôn trọng quyền tự do lựa chọn của mỗi con người, thì tôi là ai mà phải nặng lòng về những điều như thế? Có vô ích không? Uống một ít rượu. Chạy rất chậm mà …. Tôi ngước mắt lên nhìn đồng hồ 01 giờ, giờ này trên phố đã khuya lắm rồi, vậy mà tôi vẫn còn nghe những tiếng xe hú ga lướt ầm ầm trong đêm.

– Mạch bằng không, huyết áp bằng không, hơn 15 phút hồi sức. Tôi buông …Sống chỉ có một lần, làm sao quay trở lại để sửa những lỗi lầm bây giờ?

Tôi bất chợt rùng mình. Những cơn gió đêm loáng thoáng lạnh. Một giây nào đó, tôi thấy thần chết đứng đó nơi đầu giường mỉm cười.

02 giờ sáng …

Lại là một người đàn ông. Ông ta khó ngủ vì quá đau đầu. Ông ta chịu không nỗi phải đến bệnh viện, xin một liều thuốc ngủ, nếu không ông ta sẽ nổ tung mất.Tôi chợt nhận ra, ngủ chẳng dễ dàng chút nào. Càng già, người ta càng khó đi vào giấc ngủ. Và càng già giấc ngủ càng ngắn.Chẳng phải hơn nửa những bài hát của Trịnh là lời ru. Ru nhau vào cơn ngủ. Để rồi khi tỉnh giấc mới nghiệm ra mình ngủ quá sâu. Cần phải thức.

– Chích 1 liều seduxen nhé Bác.

– Chích để được gì, ngoài kia trời đã bắt đầu sáng. Tôi nói với người điều dưỡng như thế, rồi mỉm cười.

– Ừ chích đi ….

Thời đại này, là thời đại của thuốc ngủ, thuốc Viagra, thuốc trợ tim và thuốc chống loét dạ dày ….
Dường như càng ngày con người càng phụ thuộc vào những gì họ sáng tạo ra. Rồi từ đó mê mải …

03 giờ…

Giờ thân nhiệt hạ xuống thấp nhất, ngủ sâu nhất. Vậy mà tiếng la của bệnh nhân làm cả phòng thức giấc. Vẫn là đàn ông. Ông ta khoảng ngũ tuần, đang gào lên như heo bị thọc tiết :

– Đau quá, chích thuốc dùm tôi đi …Rõ ràng chỉ là rối loạn tiêu hoá nhẹ do ăn uống không đúng, nhưng bệnh nhân lại rên la dữ dội. Mỗi con người có hoàn cảnh sống khác nhau, và vì thế chịu đựng những ngưỡng đau rất khác nhau. Tôi nghĩ, có lẽ ông bệnh nhân béo phì, mặt đỏ gay gắt này có một địa vị nhất định trong cuộc sống, nên hay có kiểu la hét và ra lệnh như thế.

Tiếng la ông ta làm hốt hoảng cho bà cụ 80 tuổi nằm kế bên. Bà cụ bị suy tim, rung nhĩ đáp ứng thất nhanh. Bà vào cơn mệt khó thở …. Tôi buộc phải cấp cứu thêm một lần nữa bệnh nhân mà tôi đã điều trị ổn định đang đợi chuyển vào trại tim mạch.

Có người lớn lên từ nỗi đau. Có người đánh mất mình trong những nỗi đau. Có người dùng nỗi đau của mình để gây chú ý, để được quan tâm, để thỏa mãn cái tôi. Họ không cần biết sự chịu đựng của người xung quanh. Họ chỉ biết họ. Họ là trung tâm.

07 giờ sáng …

– Cả đêm mất ngủ hả em. Bác sỹ lãnh đạo nhìn thông cảm khi giao ban.

– Không, em vẫn ngủ khi đang thức anh ạ ….