Thanh cao mọc nhiều nơi ở nước ta, được sử dụng để điều trị một số bệnh như: đổ mồ hôi trộm, lở ngứa, cảm nắng, giúp sự tiêu hóa, lợi gan mật, sốt rét…
- Tìm hiểu về kỹ thuật xét nghiệm tinh dịch đồ
- Thông tin về bệnh lý ung thư máu cấp tính
- Dấu hiệu nhận biết việc thiếu kẽm
Tên khoa học: Artemiasia annua L., Họ Cúc – Asteraceae.
Tên khác: thanh cao, thanh cao hoa vàng, thanh hao, thảo cao, ngải…
Đặc điểm thực vật và phân bố
Cây thảo sống hàng năm, cao 1,2-1,5m. Lá xẻ lông chim 2 lần thành dải hẹp phủ lông mềm, có mùi thơm. Cụm hoa hình cầu, hợp thành một chùm kép. Trong một cụm hoa có khoảng 25-35 hoa, xung quanh là hoa cái, ở giữa là hoa lưỡng tính. Hạt hình trứng rất nhỏ, có rãnh dọc. 1g hạt có từ 20000-22000 hạt.
Vị thuốc đông y này thường mọc hoang ở Trung Quốc, Liên Xô, Mông Cổ, Nhật, Bắc Mỹ, và một số nước Đông Nam Á. Năm 1982 thanh cao mới chính thức được phát hiện mọc hoang ở các tỉnh phía bắc VN và sau đó được trồng ở hầu hết ở các tỉnh để chiết xuất artemisinin.
Trồng trọt và thu hoạch của cây thanh cao
Trồng bằng hạt. Thời gian thu hoạch từ 5-6 tháng từ khi bắt đầu trồng cây con (nếu tính từ thời gian gieo hạt là 7 tháng). Thu hái sau khi cây bắt đầu ra hoa là thời điểm cho tỷ lệ hoạt chất cao nhất. Ở các tỉnh phía Nam thời gian sinh trưởng cảu cây ngắn hơn. Chặt cả cây, phơi nắng rồi rũ lấy lá khô, hoặc dùng máy tuốt lấy lá sau đó phơi nắng. Thu hoạch vào những ngày nắng ráo. Có thể thu hái lá nhiều lần: Lần 1 khi tầng lá gốc đã già, xuất hiện những lá vàng. Cắt lá phần gốc, sau đó bón phân tiếp. Sau 15 ngày lại thu hoạch tiếp cho đến khi cây có nụ hoa thì chặt cả cây để lấy lá. Năng suất lá khô trên 1 sào có thể đạt 150-180kg.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây thanh cao
Lá đã phơi khô hoặc sấy khô – Folium Artemisiae annuae.
Đặc điểm vi học của bột lá
Lông che chở có 2 dạng: Dạng hình chữ T, đầu đơn bào, hình thoi, chân đa bào. Dạng khác cũng đa bào, tế bào ở đầu thuôn nhỏ.
Lông tiết đầu đa bào, chân đa bào.
Thành phần hoá học của cây thanh cao
Trong lá có chứa 0,4-0,6% tinh dầu (trên lá khô hàm ẩm 12-12,5%). Thành phần là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic như α – cubeben (14,75%), β-caryophylen… Ngoài ra còn có các thành phần monoterpenic như cineol (4,08%) và camphor (23,75%).
Thành phần có tác dụng sinh học quan trọng trong lá thanh cao là 1-sesquiterpenlacton có tên là artemisinin, là chất kết tinh, không có trong tinh dầu, được chiết xuất bằng dung môi hữu cơ. Trong cây Thanh cao, lá có chứa nhiều hoạt chất nhất và thu hoạch vào thời điểm cây bắt đầu ra nụ là tối ưu (1,6%). Yêu cầu trong kỹ thuật lá thanh cao có chứa tỷ lệ hoạt chất 0,7-1,4%, độ ẩm 12-12,5%, tỷ lệ tạp chất dưới 4%.
Công dụngcủa cây thanh cao
Cây thanh cao được sử dụng trong Y học cổ truyền Trung Quốc làm thuốc chữa sốt rét vào năm 340, nhưng mãi đến năm 1967 mới được nghiên cứu và 1972 được chiết xuất dưới dạng tinh thể và được các nhà khoa học Trung Quốc đặt tên là Qinghaosu. Năm 1979 artemisinin được xác định cấu trúc hoá học.
Artemisinin có tác dụng đối với ký sinh trùng sốt rét. Tác dụng nhanh và thải trừ nhanh vì vậy ít gây kháng thuốc. Hiện nay nhiều chế phẩm bán tổng hợp từ artemisinin như artesunat, dihydroartemisinin,… đang được quan tâm nghiên cứu với mong muốn nâng cao hiệu lực tác dụng. Những dẫn chất này có thể tan trong nước hoặc trong dầu, có thể sản xuất dưới dạng thuốc tiêm, để sử dụng trong điều trị các trường hợp sốt rét ác tính.
Lá và cuống hoa thanh cao được đồng bào dân tộc tỉnh Lạng Sơn dùng để chữa sốt cao, giải độc, rối loạn tiêu hoá. Lá non có thể nấu canh ăn thay rau. Y học cổ truyền Trung Quốc dùng lá thanh cao làm thuốc thanh nhiệt, bổ dạ dày, cầm máu, lợi đởm.
Nguồn: tapchisuckhoe.edu.vn