Ho có đờm là triệu chứng phổ biến ở nhiều người, đặc biệt khi thời tiết thay đổi hoặc môi trường ô nhiễm. Thay vì dùng thuốc tây y, nhiều người hiện nay tìm đến các bài thuốc Y học cổ truyền lành tính, dễ thực hiện ngay tại nhà để điều trị ho có đờm một cách an toàn.
Ho có đờm thường đi kèm với chất nhầy được tiết ra từ phế quản, có tác dụng đẩy vi khuẩn và virus ra khỏi cơ thể. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm lạnh, viêm họng, viêm phế quản, dị ứng hoặc ô nhiễm không khí. Nếu không được điều trị kịp thời, cơn ho có thể kéo dài, gây mệt mỏi, mất ngủ và thậm chí dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Những cây thuốc Nam trị ho có đờm dễ tìm trong vườn nhà được giảng viên, bác sĩ Cao đẳng Y học cổ truyền Sài Gòn chia sẻ gồm:
- Cải cúc (tần ô)
Là loại rau quen thuộc trong bữa ăn, cải cúc còn là dược liệu tốt để chữa ho có đờm. Cải cúc có vị hơi đắng, tính mát, tác dụng làm dịu cổ họng, giảm viêm và hỗ trợ long đờm hiệu quả.
Cách dùng: Rửa sạch cải cúc, cắt nhỏ rồi chưng cách thủy với mật ong hoặc đường phèn trong 20 phút. Ăn 2 lần mỗi ngày, liên tục trong vài ngày sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
- Húng chanh
Còn được gọi là tần dày lá, húng chanh là vị thuốc dân gian quý, có tác dụng kháng khuẩn, thanh nhiệt, trừ ho, tiêu đờm.
Cách dùng: Dùng 15 lá húng chanh và 4 quả tắc xanh, hấp cách thủy với đường phèn hoặc mật ong. Uống 1 – 2 lần/ngày, có thể dùng cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ (trên 1 tuổi).
- Cam thảo
Cam thảo được biết đến như một vị thuốc hỗ trợ thanh lọc cơ thể, kháng viêm và làm dịu cổ họng rất tốt.
Cách dùng: Pha 10g bột cam thảo với nước ấm, thêm một ít nước cốt chanh. Uống khi còn ấm, ngày 2 lần. Ngoài ra, có thể kết hợp cam thảo với trà xanh để tăng tác dụng làm sạch đường hô hấp.
- Lá hẹ
Lá hẹ có tính ấm, công dụng long đờm và tiêu độc, thích hợp để trị ho cho cả người lớn và trẻ em.
Cách dùng: Lá hẹ rửa sạch, cắt nhỏ và hấp cách thủy với mật ong cho đến khi chín mềm. Ăn mỗi ngày 3 – 4 lần, mỗi lần 2 – 3 muỗng cà phê.
- Gừng tươi
Gừng là dược liệu có tính ấm, giúp làm ấm cơ thể và cải thiện tình trạng ho do cảm lạnh.
Cách dùng: Gừng giã nhuyễn, nấu với nước và thêm mật ong để uống. Ngoài ra, có thể giã gừng tươi, kết hợp với củ cải trắng lấy nước uống hoặc ngâm chân với nước gừng để giảm ho.
- Rau diếp cá
Diếp cá có vị chua nhẹ, tính mát, giúp thanh nhiệt, kháng khuẩn, đặc biệt hiệu quả với ho do viêm nhiễm.
Cách dùng: Giã nát rau diếp cá, đun cùng nước vo gạo, lọc lấy nước uống 2 – 3 lần mỗi ngày. Có thể thêm mật ong để dễ uống hơn.
- Lá xương sông
Xương sông giúp tiêu đờm, giảm viêm họng và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Cách dùng: Lá xương sông hấp với mật ong trong khoảng 20 – 30 phút. Dùng nước cốt uống 2 – 3 lần/ngày để cải thiện tình trạng ho.
Bên cạnh đó, chuyên gia Y học cổ truyền cũng khuyến cáo người bị ho khi dùng cây thuốc chữa ho lưu ý:
– Chỉ nên chọn nguyên liệu tươi, sạch, không dập nát hoặc nhiễm hóa chất.
– Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng.
– Thuốc đông y có tác dụng từ từ nên cần kiên trì sử dụng trong vài ngày đến 1 tuần để thấy kết quả rõ rệt.
– Nếu sau thời gian sử dụng mà không cải thiện hoặc ho nặng thêm, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa.
– Một số người có thể bị dị ứng với thành phần thảo dược, do đó nên ngưng sử dụng ngay nếu có dấu hiệu bất thường như nổi mẩn, khó thở.
– Kết hợp sử dụng thuốc Nam với chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và giữ ấm cơ thể sẽ giúp tình trạng ho được cải thiện nhanh chóng hơn.
Chữa ho có đờm bằng thuốc Nam không chỉ mang lại hiệu quả nhẹ nhàng, ít tác dụng phụ mà còn tận dụng được nguồn dược liệu tự nhiên sẵn có tại nhà. Với các phương pháp đơn giản từ cải cúc, húng chanh, cam thảo, gừng, lá hẹ… bạn có thể chăm sóc sức khỏe gia đình an toàn và tiết kiệm. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp.