Đặc điểm vị thuốc thảo quả trong y học cổ truyền

Thảo quả là một loại thảo dược được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc. Trong thảo quả chứa tinh dầu có nhiều tác dụng trong điều trị và chế biến thực phẩm, kĩ nghệ…

Đặc điểm vị thuốc thảo quả trong y học cổ truyền
Đặc điểm vị thuốc thảo quả trong y học cổ truyền

Tên khoa học: Amomum aromaticum Roxb., Họ Gừng – Zingiberaceae

Tên khác: thảo quả, đò ho, tò ho, mac nâu…

Đặc điểm thực vật và phân bố thảo quả

Giảng viên Y học cổ truyền – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho hay, cây thảo, sống nhiều năm, cao 2-3 m. Thân rễ mọc ngang, có nhiều đốt. Lá to, dài, mọc sole có bẹ ôm kín thân. Hoa to, màu đỏ nhạt, mọc thành bông ở gốc. Quả hình trứng, cuống ngắn, màu đỏ sẫm, mọc dày đặc. Mỗi chùm quả có từ 40-50 quả. Hạt nhiều, có cạnh, có mùi thơm đặc biệt.

Thảo quả được trồng và mọc hoang ở vùng rừng núi cao, có khí hậu mát, độ ẩm cao ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang. Trên thế giới thảo quả được trồng ở Trung Quốc (Vân Nam), Ấn Độ và các vùng phía Đông dãy Himalaya. Ở Ấn Độ trồng và xuất khẩu loại quả tương tự như thảo quả VN với tên “Cardamom” là quả của cây Amomum sulbatum Roxb.

Trồng trọt và thu hái thảo quả

Trồng bằng hạt hay bằng đoạn cắt từ thân rễ. Mỗi đoạn cắt của thân rễ phải có 1 chồi non và 1 chồi già. Trồng cách nhau 1,5-1,5m, vào mùa mưa, và tốt nhất là trồng dưới tán cây khác. Trồng bằng hạt, gieo hạt trong vườn ươm, sau đó trồng cây con đại trà. Sau 5 năm có thể thu hoạch (chậm hơn so với phương pháp trồng bằng thân rễ). Cây có thể sống được 25 năm hoặc lâu hơn nữa.

Thu hái vào tháng 10-11 và kéo dài đến tháng 2 (từ tháng 10 đến tháng giêng âm lịch). Hái quả xong phải phơi hoặc sấy khô ngay. Nếu chăm sóc tốt 1ha có thể cho 100-400 kg quả khô

Bộ phận dùng và chế biến của thảo quả

Quả chín đã phơi khô hoặc sấy khô.  Quả có hình thuôn hoặc hơi tròn, dài 2-4 cm, đường kính 1,3-2,3 cm. Mặt ngoài màu nâu đỏ hoặc màu xám, có vân sọc sần sùi. Quả có 3 ngăn, mỗi ngăn chứa 17-19 hạt. Hạt khô rắn, hình đa giác không đều, ép sát nhau. Hạt có mùi thơm, vị cay tê.

Quả sau khi thu hái về được phơi trên phiên thua và sấy lửa nhẹ 3 hay 4 ngày đêm cho đến khi khô, quả thảo quả khô có màu xám nâu nhạt, nhiều nét nhăn dọc và thường được phủ một lớp phấn trắng. Khi nào dùng thì bóc vỏ ngoài lấy hạt, nếu bóc lấy hạt ngay sẽ chóng mất mùi thơm.

Bộ phận dùng và chế biến của thảo quả
Bộ phận dùng và chế biến của thảo quả

Thành phần hoá học của thảo quả

Quả có chứa tinh dầu 1,40-1,47%

Thành phần hoá học chính của tinh dầu thảo quả là cineol (31-37%).

Công dụng của thảo quả

Thảo quả vừa là một vị thuốc vừa là một gia vị. thảo quả thường được dùng để thêm vào một số bánh kẹo, đặc biệt loại kẹo chè lam. Thảo quả chủ yếu dùng làm gia vị trong kỹ nghệ chế biến bánh kẹo và thực phẩm.

Thảo quả có vị cay, chát, tính ôn và không độc, quy vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng táo thấp, khử hàn, trừ đờm, chữa sốt rét, tiêu thực, hoá tích dùng làm thuốc kiện tỳ, giải độc , chữa đau bụng, nôn mửa, hơi mồm. Liều dùng hàng ngày: 3-6g.

Tinh dầu khi cất ra không có mùi đặc trưng của thảo quả nên có ít có ý nghĩa sử dụng.

Một số đơn thuốc đông y có thảo quả

Chữa hôi miệng: Thảo quả dã dập, ngậm vào miệng, nuốt nước sau đó súc miệng lại.

Chữa sốt, sốt rét: đặc biệt là trường hợp sốt ít, rét nhiều, đại tiểu tiện quá nhiều, không ăn được: Thảo quả 10g, kha tử 10g, sinh khương 7 miếng, táo đen 2 quả, đem sắc với 600ml nước, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Trị bụng đau, bụng đầy do hàn thấp tích trệ: Thảo quả (nướng) 6g, Hậu phác, Hoắc hương đều 10g, Thanh bì, Bán hạ, Thần khúc đều 6g, Cao lương khương 6g, Đinh hương, Cam thảo đều 4g, Sinh khương, Đại táo 10g, sắc uống (Thảo Quả Ẩm – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Nguồn: tapchisuckhoe.edu.vn