Đông y điều trị tiêu hóa kém với cây cỏ cú

Rễ chùm (củ) của cỏ cú trong đông y được điều chế thành vị thuốc với tên gọi là hương phụ, có vị cay, hơi ngọt, hơi đắng, tính bình… có tác dụng trong điều trị tiêu hóa kém.

Đông y điều trị tiêu hóa kém với cây cỏ cú
Đông y điều trị tiêu hóa kém với cây cỏ cú

Cỏ cú còn được gọi với các tên khác như cỏ gấu, củ gấu, củ gấu vườn, củ gấu biển, hải dương phụ, họ Cói, là loài cỏ sống lâu niên cao 20 – 30 cm. Cây có lá nhỏ hẹ, ở giữa lưng có gân nổi lên, cứng và bóng, phần dưới lá ôm lấy thân cây; thân rễ phát triển thành củ, tùy theo điều kiện sinh trưởng như đất rắn hay xốp mà củ cỏ cú sẽ phát triển to hay nhỏ. Thông thường cỏ cú mọc ở vùng bờ biển sẽ to, dài và chất lượng dược liệu tốt hơn, vị thuốc đông y này được gọi là hải hương phụ (hương phụ vùng biển).

Bước vào tháng 6, trên ngọn cây cỏ cú thường có 3 đến 8 cụm hoa hình tán màu xám nâu; nhụy có đầu núm chia thành 2 nhánh như lông tơ; quả 3 cạnh màu xám. Cỏ cú có thể thu hoạch quanh nǎm. Khi đào về, người ta thường rửa sạch đất cát, phơi khô, đốt cho cháy hết lông, cất nơi khô ráo đề dùng dần làm thuốc.

Củ gấu biển
Củ gấu biển

Cây cỏ cú dùng làm thuốc trong Đông y

Theo Bác sĩ Y học Cổ truyền Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, rễ chùm của cây cỏ cú được điều chế thành vị thuốc gọi là hương phụ, có vị cay, hơi ngọt, hơi đắng, tính bình… có tác dụng chữa viêm tử cung mạn tính, đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều, đau dạ dày, ăn uống kém tiêu…

Liều dùng: Ngày dùng 6 – 12g ở dạng thuốc sắc, bột, cao, viên hay rượu thuốc đều được. Người bệnh cũng có thể dùng riêng hoặc phối hợp trong các phương thuốc phụ khoa, đau dạ dày.

Cỏ cú được bào chế như sau: Củ cỏ cú sau khi loại bỏ lông và tạp chất, đem rửa sạch để ráo, sau đó nghiền vụn hoặc thái lát mỏng, đổ thêm giấm vào khuấy đều, ủ một đêm, đợi khi chúng hút hết giấm thì cho vào chảo sao lửa nhẹ đến màu hơi vàng, lấy ra, phơi khô. Cứ 10 kg hương phụ dùng 2 lít giấm.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng một số bài thuốc chứa hương phụ cụ thể như sau:

Chữa tiêu hóa kém: Hương phụ (sao) 12g, vỏ vối (sao) 12g, vỏ quýt (sao) 12g, chỉ xác 12g, vỏ rụt (sao) 16g. Sắc nước uống 5 ngày.

Điều trị đau bụng, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa: Hương phụ 40g, riềng khô 80g (riềng chọn củ nhỏ màu vàng nhạt). Đem hai thứ tán nhỏ cất vào lọ kín, mỗi lần uống 6 – 8g (trẻ em mỗi lần uống 2 – 4g) với nước chè nóng. Uống trong khoảng từ 3 – 5 ngày.

Hương phụ trị bệnh trong y học cổ truyền
Hương phụ trị bệnh trong y học cổ truyền

Chữa kinh nguyệt không đều: Hương phụ 3g, ngải cứu 3g, ích mẫu 3g, bạch đồng nữ 3g, sắc với nước; chia 3 lần uống trong ngày.

Theo bác sĩ tư vấn dùng thuốc đông ý, bạn nên uống đón kinh 10 ngày trước ngày dự đoán có kinh hoặc gần kỳ kinh hay đau bụng hay đau bụng để giúp kinh nguyệt đều. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng hương phụ chế tán bột, ngày uống 10g với nước nóng hoặc nước ngải cứu. Bạn có thể dùng liên tục trong một tháng hoặc lâu hơn.

Chữa cảm cúm, nhức đầu, gai rét, đau mình: Hương phụ 12g, vỏ quýt 10g, tía tô 10g, cam thảo 4g, gừng tươi 3 lát, hành 3 cây, sắc uống (đơn thuốc của Tuệ Tĩnh).

Mang trong mình nhiều công dụng trị bệnh, tuy nhiên theo các thầy thuốc đông ý, những người âm hư huyết nhiệt không nên dùng. Người bệnh nên đến các bệnh viện y học cổ truyền uy tín để được các bác sĩ khám và kê đơn đúng thuốc đúng bệnh nhàm đảm bảo an toàn.

Nguồn: tapchisuckhoe.edu.vn