Đương quy là một trong những vị thuốc cổ truyền nổi tiếng với công dụng bổ huyết, điều kinh, giảm đau. Được ví như “nhân sâm dành cho phụ nữ”, Đương quy đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe toàn diện, đặc biệt là huyết khí.
Đặc điểm và phân loại
Đương quy, còn được gọi bằng nhiều tên khác như Tần quy hay Vân quy, thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), là rễ của cây Angelica sinensis – loài cây thường mọc ở vùng núi cao, khí hậu mát mẻ. Bộ phận được sử dụng làm thuốc chủ yếu là phần rễ, sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế bằng phương pháp chích rượu để tăng hiệu quả dược tính.
Dược liệu đã chế biến có dạng phiến mỏng không đều, màu vàng nâu và có mùi thơm nồng dễ nhận biết. Vị thuốc mang tính ôn, vào các kinh can, tâm và tỳ, với vị ngọt, cay, hơi đắng.
Công dụng và chỉ định điều trị
Theo bác sĩ Y học cổ truyền cho biết, Đương quy nổi bật với công năng bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau và nhuận tràng. Vì thế, vị thuốc này thường được chỉ định trong các trường hợp:
- Thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt do huyết hư.
- Rối loạn kinh nguyệt: kinh không đều, bế kinh, đau bụng kinh.
- Táo bón do huyết hư, cơ thể suy nhược.
- Chấn thương gây sưng đau, phong thấp dẫn đến tê nhức.
Với những người có thể trạng yếu, khí huyết không thông, đương quy có thể giúp cải thiện đáng kể sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, cần lưu ý, người có tỳ vị thấp nhiệt hoặc đại tiện lỏng không nên sử dụng đương quy.
Liều lượng và cách sử dụng
Tùy vào mục đích sử dụng mà liều lượng Đương quy được điều chỉnh phù hợp. Thông thường, mỗi ngày dùng từ 6g đến 12g, có thể dùng tới 20g. Dạng bào chế chủ yếu là sắc thuốc hoặc ngâm rượu.
Một số bài thuốc kinh nghiệm có sử dụng Đương quy
Tứ vật thang – Bài thuốc y học cổ truyền bổ huyết kinh điển: gồm Đương quy, Thục địa (hoặc Sinh địa), Bạch thược và Xuyên khung. Dùng cho phụ nữ thiếu máu, kinh nguyệt không đều, sản hậu ra huyết kéo dài.
Đương quy kiện trung thang – Bổ máu sau sinh: Đương quy kết hợp với Quế chi, Sinh khương, Thược dược, Đại táo và đường phèn, sắc uống mỗi ngày giúp tăng cường khí huyết.
Trị chảy máu cam dai dẳng: Dùng Đương quy sao khô, tán thành bột mịn, uống mỗi lần khoảng 4g với nước cháo loãng, ngày 2-3 lần.
Viên dưỡng não – Dưỡng não hoàn: Gồm nhiều thành phần như Đương quy, Viễn chí, Thạch xương bồ, Ngũ vị tử, Bá tử nhân, Hổ phách… dùng để chữa mất ngủ, mộng mị, đau đầu kéo dài. Mỗi viên nặng 4g, uống 2 lần/ngày.
Chữa viêm quanh khớp vai, đau vai không giơ tay lên được: Dùng Đương quy phối hợp với Ngưu tất và Nghệ, sắc uống kết hợp tập vận động vai đều đặn mỗi ngày.
Kinh nguyệt rối loạn, đau bụng kinh: Sử dụng Đương quy sắc uống từ khoảng 7 ngày trước kỳ kinh sẽ giúp điều hòa chu kỳ và giảm cơn đau.
Hỗ trợ chuyển dạ dễ dàng: Với phụ nữ sắp sinh, uống Đương quy trước vài ngày có thể giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi hơn.
Lưu ý khi dùng Đương quy
Dù là một vị thuốc bổ quý, Đương quy cũng cần được sử dụng đúng cách, đúng liều. Người có triệu chứng tiêu chảy, đầy bụng do thấp nhiệt cần tránh dùng. Việc phối hợp với các vị thuốc khác cũng cần sự tư vấn của thầy thuốc để đạt hiệu quả tối ưu và tránh tác dụng không mong muốn.