Phật thủ: Vị thuốc chữa viêm loét dạ dày, ho hen

Theo Đông y, phật thủ vị chua, cay, đắng, tính ấm; vào can vị phế. Những bài thuốc có sử dụng phật thủ có tác dụng thư can hòa vị chỉ thống, lý khí hóa đàm.

Phật thủ không chỉ là loại quả được dùng thờ cúng mà còn là vị thuốc chữa bệnh
Phật thủ không chỉ là loại quả được dùng thờ cúng mà còn là vị thuốc chữa bệnh

Đôi nét về quả phật thủ

Quả phật thủ hay còn gọi là quả tay Phật, phật thủ phiến, phật thủ cam.

Tên khoa học: Citrus medica L. var. sarcodactylis (Noot.) Swingle., họ Cam (Rutaceae). [= C.medica L.var digitata Riss.].

Quả phật thủ không đơn giản là một loại quả mà còn mang ý nghĩa tâm linh, còn có tên phúc – thọ – cam, là biểu tượng của sự may mắn. Phật thủ màu sáng, dáng đẹp, hương thơm ngát lâu, là loại quả không thể thiếu trên ban thờ của nhiều gia đình. Phật thủ thường đặt ở nơi trung tâm mâm ngũ quả ngày tết. Bên cạnh công dụng thờ cúng, phật thủ còn có giá trị chữa bệnh.

Bộ phận dùng làm thuốc của phật thủ là quả khô để nguyên hoặc chưng, thái phiến dày 3- 4 mm, phơi âm can. Lá thu hái quanh năm. Rễ lấy vào mùa thu. Quả phật thủ chứa tinh dầu và flavonoid (limettin, sterolin, citrroten…, dime limettin…). Tinh dầu phật thủ có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và kích thích tiêu hóa.

Theo Đông y, phật thủ vị chua, cay, đắng, tính ấm; vào can vị phế. Phật thủ có tác dụng thư can hòa vị chỉ thống, lý khí hóa đàm; trị ho hen phế quản nhiều đờm, khó thở, đau tức vùng liên sườn, vùng thượng vị, buồn nôn, nôn.

Liều dùng cách dùng: 2 – 10g quả khô; bằng cách nấu, hãm. Khi không có quả thì dùng rễ và lá thay.

Bài thuốc sử dụng phật thủ chữa bệnh

Chữa đầy bụng, biếng ăn, nôn mửa: phật thủ 3 – 10g. Sắc uống hoặc ngâm rượu uống.

Chữa ho đờm, viêm khí quản mạn tính: Phật thủ 6g, bán hạ chế, gừng 6g. Sắc uống.

Phật thủ có thể chữa được bệnh
Phật thủ có thể chữa được bệnh

Món ăn thuốc có phật thủ có tác dụng chữa bệnh

Ruột lợn hầm phật thủ: Ruột non lợn một đoạn, phật thủ 15 – 30g. Ruột lợn làm sạch thái đoạn, nấu với phật thủ, thêm gia vị thích hợp, ăn. Tuần ăn 2 – 3 lần, dùng liền trong 2 – 3 tuần. Dùng tốt cho phụ nữ bị huyết trắng khí hư.

Chè phật thủ: Phật thủ 10g rửa sạch, thái nhỏ, cho nước sôi hãm uống thay nước chè ngày 1 lần. Dùng tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, co thắt tâm vị, đầy ợ hơi, buồn nôn, nôn.

Cháo phật thủ: Phật thủ 10 – 15g, gạo tẻ  60 – 80g. Nấu phật thủ lấy nước bỏ bã, cho gạo tẻ đã vo sạch vào nấu cháo, khi chín cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi. Thích hợp cho người bị sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi.

Rượu phật thủ: Phật thủ 30g, rượu trắng 500ml, ngâm trong 7 – 10 ngày là được. Mỗi lần uống khoảng 40ml, ngày 2 lần. Thích hợp cho người bị rối loạn tâm thần ý thức (trầm cảm ức chế…).

Chè phật thủ cốc tinh thảo: Phật thủ 60g, cốc tinh thảo 15g, chè 3g. Phật thủ, cốc tinh cùng nấu lấy nước, khi đã gần đặc gạn lấy nước vào ấm đã cho chè sẵn. Uống ngày 1 ấm, đợt dùng 5 – 7 ngày. Thích hợp cho người bệnh viêm thị thần kinh, thị lực giảm.

Siro phật thủ: Phật thủ 15g rửa sạch thái nhỏ, đường trắng lượng vừa đủ cho vào bình, đổ nước sôi hãm uống thay trà. Dùng cho người đau quặn bụng do đầy hơi trướng bụng (phúc thống khí trệ).

Kiêng kỵ: Người âm hư hỏa vượng cần thận trọng.

Để đảm bảo phù hợp với cơ địa cũng như tình trạng bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ, thầy thuốc để có thể tư vấn cụ thể.

Nguồn: tapchisuckhoe.edu.vn