Tác dụng và ứng dụng dược liệu Hà thủ ô đỏ trong Y học cổ truyền

Hà thủ ô đỏ là vị thuốc quý trong y học cổ truyền, nổi bật với tác dụng dưỡng huyết, bổ can thận, làm đen tóc và nhuận tràng, thường dùng để điều trị suy nhược, thiếu máu và ngăn ngừa lão hóa sớm.

Hà thủ ô đỏ là vị thuốc quý trong y học cổ truyền
Hà thủ ô đỏ là vị thuốc quý trong y học cổ truyền

Bài viết sau đây do bác sĩ Y học cổ truyền tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn thực hiện sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đặc điểm, công năng và các bài thuốc điển hình ứng dụng Hà thủ ô đỏ trong thực tiễn điều trị.

Thông tin dược liệu cơ bản về Hà thủ ô đỏ

Để sử dụng hiệu quả Hà thủ ô đỏ trong điều trị, cần nắm vững những thông tin khoa học và cảm quan về loại dược liệu này:

  • Tên vị thuốc: Hà thủ ô đỏ
  • Tên khoa học: Radix Fallopiae multiflorae
  • Tên gọi khác: Dạ giao đằng
  • Họ thực vật: Polygonaceae (họ Rau răm)
  • Bộ phận sử dụng: Rễ củ
  • Dạng bào chế: Chế với đậu đen

Mô tả cảm quan: Hà thủ ô đỏ là rễ củ được thái lát, có hình gần tròn hoặc không đều. Vỏ ngoài sần sùi, màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm, lõi bên trong thường có màu nâu đỏ. Dược liệu có thể chất chắc, dễ bẻ gãy, mùi nhẹ và vị đắng chát đặc trưng.

Tính vị – Quy kinh – Công năng chủ trị

Tính vị, quy kinh và công năng chủ trị là những yếu tố then chốt trong Đông y giúp định hướng sử dụng vị thuốc một cách chính xác và hiệu quả. Đối với Hà thủ ô đỏ, việc hiểu rõ về tính vị và kinh lạc mà vị thuốc quy vào sẽ giúp bác sĩ y học cổ truyền lựa chọn và phối hợp bài thuốc phù hợp với từng thể bệnh cụ thể.

Tính vị – Quy kinh:

  • Tính vị: Đắng, ngọt, sáp
  • Tính chất: Ôn
  • Quy kinh: Can, Thận

Công năng – Chủ trị: Hà thủ ô đỏ có các công dụng nổi bật sau:

  • Dưỡng huyết, bổ can thận
  • Nhuận tràng thông tiện
  • Làm đen tóc, chậm quá trình bạc tóc
  • Hỗ trợ điều trị huyết hư, thiếu máu, đau lưng, di tinh, táo bón, tóc bạc sớm, cơ thể gầy yếu

Với tính vị ôn hòa và khả năng quy vào kinh can, thận, Hà thủ ô đỏ phát huy hiệu quả trong việc dưỡng huyết, bổ can thận, hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh liên quan đến suy nhược và lão hóa sớm.

Cách dùng – Liều lượng – Kiêng kỵ khi sử dụng Hà thủ ô đỏ

Để phát huy tối đa công dụng của Hà thủ ô đỏ và đảm bảo an toàn khi sử dụng, việc nắm rõ cách dùng, liều lượng hợp lý cùng những kiêng kỵ là điều vô cùng quan trọng.

Hà thủ ô đỏ được sử dụng phổ biến dưới dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc dông y. Liều dùng khuyến nghị: Từ 6g đến 12g mỗi ngày (có thể đến 20g nếu có chỉ định), nên dùng dược liệu đã qua chế biến với đậu đen để tăng hiệu quả và giảm độc tính.

Kiêng kỵ và thận trọng:

  • Khi sử dụng Hà thủ ô, cần kiêng ăn hành, tỏi, củ cải trắng, vì những thực phẩm này có thể làm giảm tác dụng của thuốc.
  • Người huyết áp thấp hoặc hạ đường huyết nên tránh dùng Hà thủ ô đỏ, hoặc chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.

Do đó, người dùng cần tuân thủ đúng hướng dẫn về liều lượng và lưu ý các kiêng kỵ để tránh tác dụng phụ và đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Một số bài thuốc tiêu biểu ứng dụng Hà thủ ô đỏ

Dưới đây là các bài thuốc điển hình sử dụng Hà thủ ô đỏ trong điều trị thực tế, được đánh giá cao về hiệu quả dưỡng huyết, bổ thận và hỗ trợ điều trị các chứng suy nhược:

Bài thuốc bổ cho người già yếu, ăn uống kém, thần kinh suy nhược:

  • Thành phần: Hà thủ ô 10g, Đại táo 5g, Thanh bì 2g, Trần bì 3g, Sinh khương 3g, Cam thảo 2g
  • Cách dùng: Sắc với 600ml nước, cô lại còn 200ml, chia 3–4 lần uống trong ngày.

Hà thủ ô hoàn (theo Hòa tễ cục phương):

  • Thành phần: Hà thủ ô 1.800g, Ngưu tất 600g, đậu đen 1 đấu
  • Cách bào chế: Đồ thuốc với đậu đen ba lần, sau đó phơi khô, tán bột. Dùng thịt táo đen trộn với bột làm viên 0,5g.
  • Cách dùng: Uống 3 lần/ngày, mỗi lần 30 viên, dùng với rượu hâm nóng.

Hà thủ ô tán (theo Bản thảo cương mục):

  • Cách làm: Hà thủ ô bỏ vỏ, thái mỏng, phơi khô, tán bột.
  • Cách dùng: Uống 4g mỗi sáng, chiều với rượu ấm.
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh năm 2025
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh năm 2025

Chữa huyết hư, tóc bạc sớm, chóng mặt, táo bón:

  • Thành phần: Hà thủ ô chế 20g, Sinh địa 20g, Huyền sâm 20g
  • Cách dùng: Sắc uống trong ngày.

Điều trị xơ cứng động mạch, cao huyết áp, tinh yếu:

  • Thành phần: Hà thủ ô 20g, Tầm gửi dâu, Kỷ tử, Ngưu tất mỗi vị 16g
  • Cách dùng: Sắc uống hàng ngày.

Bài thuốc bổ khí huyết, mạnh gân cốt:

  • Thành phần: Hà thủ ô trắng và đỏ bằng nhau
  • Cách làm: Ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô, tán nhỏ, luyện với mật làm viên bằng hạt đậu xanh
  • Cách dùng: Uống mỗi ngày 50 viên với rượu lúc đói.

Bài thuốc điều kinh, bổ huyết:

  • Thành phần: Rễ và lá Hà thủ ô 1 rổ lớn, đậu đen 0,5kg
  • Cách bào chế: Giã nát, nấu nhừ với nước, lọc lấy nước cốt, thêm 0,5 lít mật ong nấu lại thành cao.
  • Cách dùng: Mỗi lần dùng 1 muỗng canh, dùng lâu dài mới thấy hiệu quả rõ rệt.

Hà thủ ô đỏ là vị thuốc cổ truyền quý giá, đặc biệt hữu hiệu trong việc dưỡng huyết, bổ thận, làm đen tóc và chống lão hóa. Với tính ôn, vị đắng ngọt, và khả năng quy vào can, thận, dược liệu này có thể ứng dụng linh hoạt trong nhiều bài thuốc, đặc biệt là với người cao tuổi, người suy nhược và có biểu hiện bạc tóc sớm.

Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Sài Gòn cho biết, để phát huy tối đa công dụng và tránh các phản ứng không mong muốn, người dùng nên tuân thủ đúng liều lượng, cách chế biến và kiêng kỵ thực phẩm đi kèm. Việc tham khảo ý kiến của thầy thuốc y học cổ truyền trước khi sử dụng lâu dài là điều cần thiết để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong điều trị.