Y học cổ truyền khám phá công dụng chữa bệnh của dược liệu Đan sâm

Trong kho tàng dược liệu quý giá của Y học cổ truyền, Đan sâm là một trong những vị thuốc được sử dụng rộng rãi nhờ công năng hoạt huyết, điều kinh, an thần và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến tim mạch, gan và phụ khoa.

Đặc điểm nhận biết và phân loại

Đan sâm có tên khoa học là Radix et Rhizoma Salviae miltiorrhizae, thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae). Ngoài tên gọi Đan sâm, vị thuốc này còn được biết đến với các tên khác như Huyết sâm, Xích sâm, Huyết căn.

Bộ phận dùng để làm thuốc là rễ và thân rễ, sau khi thu hoạch sẽ được sao vàng để tăng tính dược và bảo quản lâu dài. Dược liệu sau khi sao có hình dạng khô phiến, lớp vỏ ngoài màu nâu đỏ, nhăn dọc, lõi bên trong vàng nâu sẫm, có nhiều xơ hình tia. Mùi đặc trưng, vị đắng và hơi ngọt.

Tính vị và công năng trong Đông y

Theo lý luận của Đông y, Đan sâm có tính khô, hơi hàn, vị đắng, quy vào các kinh Tâm và Can. Nhờ đặc tính này, Đan sâm có công năng:

  • Hoạt huyết, thông kinh: Giúp lưu thông máu huyết, phá huyết ứ, đặc biệt tốt với các trường hợp máu huyết không đều, huyết tích gây đau.
  • Giảm đau, thanh tâm lương huyết: Làm dịu tinh thần, an thần, giảm lo âu, đồng thời giúp thanh nhiệt ở phần tâm hỏa.

Chủ trị

Các Bác sĩ Y học cổ truyền thường dùng Đan sâm để điều trị các chứng:

  • Kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, bế kinh
  • Huyết tích, hành kinh ra máu cục
  • Đau thắt ngực, viêm gan, sưng đau vùng gan
  • Mất ngủ, tâm phiền, lo âu, trầm cảm nhẹ
  • Tâm thần bất ổn, tim đập nhanh, hoảng hốt

Hiện nay, tại các trường Cao đẳng Y học cổ truyền, sinh viên được đào tạo bài bản về kiến thức dược liệu, cách sử dụng các bài thuốc cổ phương, đồng thời nắm vững phương pháp chẩn trị dựa trên tứ chẩn (vọng – văn – vấn – thiết). Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể áp dụng hiệu quả những vị thuốc như Đan sâm vào thực tiễn điều trị bệnh.

Cách dùng và liều lượng

Thông thường, Đan sâm được dùng dưới dạng thuốc sắc, liều dùng từ 9g đến 15g mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý không được dùng chung với vị thuốc Lê lô, vì có thể gây tương tác dược lý không mong muốn.

Một số bài thuốc Đông y tiêu biểu từ Đan sâm

Điều kinh, an thai và hậu sản (theo Bản thảo cương mục): Đan sâm rửa sạch, phơi khô, tán bột. Uống mỗi ngày 8g, chia 2 – 3 lần. Bài thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt, an thai và hỗ trợ tiêu máu cục sau sinh.

Chữa kinh nguyệt không ra, đau bụng kinh (Diệp Quyết Tuyền): Đan sâm 10g, Hương phụ 6g, Đương quy 10g, Bạch thược 5g, Xuyên khung 5g, Địa hoàng 10g. Sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa viêm gan mạn hoặc đau vùng gan: Đan sâm 20g, kết hợp với Cỏ nọc sởi 20g. Sắc uống mỗi ngày giúp giải độc gan, giảm sưng đau.

Chữa phong nhiệt, ghẻ lở ngoài da: Đan sâm 20g, Thổ sâm 16g, Sà sàng tử 16g. Nấu nước để rửa vùng da bị tổn thương khi còn ấm.

An thần, chữa tâm thần hoảng hốt: Đan sâm, Mạch môn, Ngưu tất, Sinh địa mỗi vị 20g; Tâm sen sao và Hoàng liên (hoặc Dành dành) mỗi vị 8g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang để giúp làm dịu tâm trí, giảm rối loạn thần kinh.

Mặc dù Đan sâm là vị thuốc lành tính và có phổ tác dụng rộng, tuy nhiên, việc tự ý sử dụng hoặc kết hợp sai cách có thể gây phản tác dụng hoặc làm giảm hiệu quả điều trị. Vì thế, để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của các Bác sĩ Y học cổ truyền.

Dựa trên nguyên tắc biện chứng luận trị – tức là chẩn đoán theo từng thể bệnh cụ thể – các bác sĩ sẽ lựa chọn liều lượng và phối hợp Đan sâm cùng các dược liệu khác sao cho phù hợp với thể trạng và nguyên nhân bệnh lý của từng người.