Cây men sứa: Vị thuốc nên có trong mỗi gia đình

Cây men sứa theo kinh nghiệm dân gian thường lấy rễ làm thuốc. Khi dùng thái miếng mỏng, để sống hoặc sao qua.

Cây men sứa: Vị thuốc nên có trong mỗi gia đình
Cây men sứa: Vị thuốc nên có trong mỗi gia đình

Đặc điểm vị thuốc từ cây men sứa

Cây men sứa còn có tên gọi là cây chạo, lấu đỏ, lá tản, bồ giác, bầu giác, … là loại cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ 1 – 9m, hoàn toàn nhẵn. Lá cây men sứa hình bầu dục thuôn, thon hẹp dài về phía gốc, nhọn mũi, màu lục hay nâu lục, có khi nâu đỏ ở mặt trên, sáng màu hơn ở dưới, dạng màng. Hoa màu trắng nhạt, phân nhánh ở ngọn. Mùa ra hoa vào tháng 5 – 7. Quả hạch bầu dục, có khi gần hình cầu, mang đài hoa tồn tại, màu đỏ có 2 hạch với 5 cạnh và rãnh lưng. Hạt 1 trong mỗi ô, màu đen.

Cây men sứa theo kinh nghiệm dân gian thường dùng rễ làm thuốc. Rễ cây có thể thu hái quanh năm, sau khi đào về, đem rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Khi sử dụng thái miếng mỏng, sao qua hoặc để sống. Dược liệu không độc, có vị đắng, tính mát, tác dụng giải độc, sinh cơ, thanh nhiệt, khu phong trừ thấp.

Lá men sứa dùng làm thuốc thì chỉ dùng lá bánh tẻ để tươi hoặc phơi hay sấy khô. Dược liệu có vị đắng chát, không độc, tính bình, tác dụng chỉ tả, thu sáp, tiêu độc cầm máu.

Một số bài thuốc chữa bệnh thường dùng có cây men sứa

Tùy theo từng trường hợp, tình trạng bệnh, sức khỏe,… mà bạn có thể áp dụng bài thuốc phù hợp. Dưới đây là những bài thuốc chữa bệnh thường dùng có cây men sứa, tuy nhiên điều này không thay thế cho lời khuyên của các thầy thuốc đông y. Bạn cần tham khảo ý kiến của các thầy thuốc trước khi sử dụng nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả:

Hoa cây men sứa
Hoa cây men sứa

Bài 1: Phụ nữ băng huyết sau sinh, bạch đới: Lá men sứa để tươi 20g, lá huyết dụ 16g, lá tiết dê 16g. Tất cả rửa sạch, để ráo nước giã nát, thêm nước, gạn uống. Ngày uống 2 lần, dùng liền 3 ngày.

Bài 2: Chữa rối loạn tiêu hóa do ăn thức ăn sống lạnh: Rễ men sứa 15g, sắc với 250ml nước còn 100ml nước, uống làm một lần trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày.

Bài 3: Chữa tiểu sẻn đỏ do nóng: Lá men sứa 16g, lá huyết dụ 12g, rễ cây ráng 12g, ngũ bội tử 4g, lá tiết dê 10g. Tất cả dùng tươi, rửa sạch, giã nát, thêm nước gạn uống, chia 2 lần uống trong ngày.

Bài 4: Chữa tiêu chảy (do lạnh bụng): Lá men sứa  20g, lá sim 30g , sắc với 350ml nước còn 150ml nước, uống làm một lần trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày.

Bài 5: Giảm đau nhức do sâu răng: Lá men sứa  50g sắc với 350ml nước còn 100ml nước, chia 3 uống lần uống trong ngày.

Bài 6: Hỗ trợ cắt cơn sốt rét: Lá men sứa 40g, vỏ cây gòn 30g, lá na 40g, lá thường sơn 20g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, hạ thổ. Sắc với 550ml nước còn 200ml nước, chia 3 lần trong ngày.

Ngoài ra, một số địa phương bà con thường lấy lá men sứa để chữa vết thương chảy máu nhanh lành miệng, mẩn ngứa. Cách dùng là lấy lá men sứa thái nhỏ, rửa sạch sắc đặc tắm hoặc rửa vết thương ngày nhiều lần.

Nguồn: tapchisuckhoe.edu.vn